Đau khớp khuỷu tay là bệnh gì? Bao lâu thì khỏi?

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị chứng đau khớp khuỷu tay là việc nên làm. Bởi tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến teo cơ, khớp khuỷu tay bị biến dạng. 

1. Nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay

1.1 Các yếu tố tác động

  • Chơi thể thao quá mạnh
  • Té, ngã khi hoạt động thể chất, tham gia giao thông, quá trình làm việc…
  • Chơi tennis sử dụng tay quá lực hoặc sai kỹ thuật
  • Ném, đánh bóng chơi golf không đúng kỹ thuật 
  • Đặc thù công việc hay dùng tay: Thợ sơn, thợ mộc là đối tượng thường bị đau khủy tay do dùng tay thực hiện một hoặc nhiều động tác liên tục

1.2 Dấu hiệu bệnh lý

  • Viêm khớp khuỷu tay: Đây là hiện tượng khớp khuỷu tay bị đau, sưng khó chịu. Trên thực tế, viêm khớp khuỷu tay xảy ra có thể do chấn thương trước đó.
  • Viêm gân, bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch mỏm khuỷu nằm ở mặt sau của khớp khuỷu tay, nó có thể bị viêm do sử dụng khớp quá mức hoặc do chấn thương trực tiếp.
  • Một số bệnh lý: Đau khớp khuỷu tay có thể là dấu hiệu của những bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, bong gân do chấn thương dây chằng, viêm dây thần kinh cánh tay, trật khớp…
  • Đau khớp khuỷu tay có thể là hậu quả của các tác động khác như: chấn thương mô mềm, phẫu thuật khớp

nguyên nhân đau khớp khuỷu tay

Chơi tennis sai kỹ thuật là một trong những nguyên nhân gây đau khớp khuỷu tay

2. Triệu chứng đau khớp khuỷu tay

  • Phần khuỷu tay đau dữ dội hoặc đau nhói
  • Sưng và có cảm giác nóng rát ở khuỷu tay
  • Tay bị đau nặng khi nâng vật dụng có trọng lượng lớn hay đơn giản như đánh máy, viết bài
  • Không ngủ được
  • Một số trường hợp còn bị cứng, tê khớp khuỷu tay; ngón tay út và áp út bị tê hoặc ngứa

3. Cách điều trị đau khớp khuỷu tay

Nghỉ ngơi, chườm đá, xoa bóp, thư giãn khớp khuỷu tay là những cách điều trị khi bị đau khớp khuỷu tay phổ biến, được nhiều người áp dụng. 

3.1 Nghỉ ngơi và nâng cao tay

Nếu cảm nhận vùng khuỷu tay bị đau nhức kèm theo các dấu hiệu khác, người bệnh cần dừng lại các hoạt động, thả lỏng cánh tay và nghỉ ngơi. Việc làm này có tác dụng giảm áp lực lên khớp, thư giãn mô mềm và xương, từ đó xoa dịu cơn đau hiệu quả. 

Trong thời gian nằm nghỉ, người bệnh nên đặt chiếc gối mềm hoặc khăn cuộn ở cổ tay sao cho khuỷu tay được nâng cao hơn so với tim. Điều này giúp bạn hạn chế tình trạng sưng tấy, tích tụ máu gây vết bầm.

Bạn không nên nằm một chỗ mà hãy chuyển động khuỷu tay nhẹ nhàng hoặc thực hiện công việc phụ hàng ngày để ngăn ngừa cứng khớp, đồng thời hạn chế phát sinh cơn đau. Nghỉ ngơi không có tác dụng chữa bệnh nhưng làm giảm nhanh tình trạng đau đớn nếu khuỷu tay bị sưng hoặc viêm. Lưu ý, tránh cử động khuỷu tay đột ngột làm tình trạng đau đớn tăng mạnh hơn.

3.2 Nhiệt độ thấp

Ngay sau khi cơn đau khuỷu tay xuất hiện, chườm lạnh là cách giảm đau, giảm sưng, co mạch, giảm tuần hoàn máu đến vùng tổn thương nhanh nhất. Không chỉ vậy, nhiệt độ lạnh còn gây tê và giảm hoạt động của dây thần kinh. 

Bạn sử dụng một chiếc khăn vải, mềm và mỏng chứa đá viên, sau đó chườm lên vị trí khuỷu tay bị đau khoảng 15 phút, thực hiện 3 lần/ngày. Ngoài đá viên, bạn có thể sử dụng đậu Hà Lan đông lạnh đặt lên vùng bị tổn thương. Đậu có tác dụng giữ nhiệt rất tốt và cải thiện cơn đau, tình trạng sưng nhanh chóng. Lưu ý: Không dùng đá trực tiếp lên da bị đau sẽ làm tổn thương da.

3.3 Chườm nóng

Sau khi chườm lạnh, bạn có thể chườm nước ấm tại khu vực bị đau. Nhiệt độ cao có tác dụng giảm đau, sưng viêm nếu đau khuỷu tay là dấu hiệu của bệnh lý rất tốt. Phương pháp này có khả năng thư giãn dây thần kinh và mạch máu; giãn mạch; thúc đẩy lưu thông máu. Từ đó giảm đau nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho những tế bào bị tổn thương tự chữa lành.

Chưa dừng lại ở đó, nhiệt độ cao còn giúp khớp xương, gân cơ được thư giãn, đồng thời hạn chế hiện tượng cứng khớp, giảm sưng và cải thiện khả năng cử động khuỷu tay bị đau. Bạn có thể sử dụng túi giữ nhiệt chườm lên vùng bị đau 20 phút mỗi ngày, 3 lần/ngày hoặc tắm nước ấm mỗi ngày 1 lần để mang lại hiệu quả cao hơn.

3.4 Thư giãn khuỷu tay

Đây cũng là cách hỗ trợ điều trị đau khớp khuỷu tay đơn giản nhưng mang lại kết quả ngoài mong đợi. Bạn có thể thư giãn khuỷu tay bằng cách thực hiện những cử động hay chuyển động tay nhẹ nhàng để hạn chế tình trạng đau đớn tái phát. Cụ thể như: nâng kéo khuỷu tay, tập yoga, ngồi thiền để giảm nhẹ cơn đau. Tuyệt đối không thực hiện những động tác làm tăng áp lực khuỷu tay như dùng tay đẩy hoặc cầm vật dụng nặng, không lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian dài gây áp lực lên vùng khuỷu đã bị tổn thương.

3.5 Xoa bóp 

Xoa bóp mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể như: xoa dịu cơn đau, cải thiện lưu thông máu, làm tan vết bầm tím, giảm sưng viêm, tăng khả năng vận động cho khuỷu tay. Từ đó, những tổn thương vùng khuỷu tay cũng tự lành và hạn chế hiện tượng cứng khớp. 

Bạn có dùng tay không bị đau xoa bóp nhẹ nhàng vùng khuỷu tay bị đau trong vòng 20 phút mỗi ngày. Khi thực hiện nên dùng lực vừa phải, xoa đều khớp khuỷu tay, không tác động quá mạnh gây đau đớn. Trong quá trình xoa bóp nếu thấy cơn đau tăng mạnh hãy thay đổi động tác hoặc dừng lại. 

3.6 Thiết lập chế độ ăn uống khoa học

Tưởng chừng như không liên quan nhưng chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm thuyên giảm cơn đau và thúc đẩy chữa lành tổn thương ở xương khớp. Bởi một số thực phẩm giàu vitamin C, E; canxi, axit béo…có tác dụng cải thiện tình trạng đau đớn, giảm nguy cơ thoái hóa khớp, đồng thời duy trì chức năng xương khớp và tăng tính dẻo dai cho hệ thống này. Chính vì thế, người bệnh cần bổ sung hạnh nhân, ức gà, cam, cá ngừ, trứng gà, cá hồi, cá tuyết, táo…trong thực đơn ăn uống hàng tuần. Đồng thời hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, thức uống có cồn…

3.7 Sử dụng thuốc Tây y

Nếu áp dụng các biện pháp tại nhà trên không mang lại kết quả cao, người bệnh có thể sử dụng thuốc Tây y.

  • Thuốc giảm đau Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất hiệu quả, được áp dụng đối với trường hợp đau khớp khuỷu tay nhẹ đến vừa.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Đây là nhóm thuốc giảm đau quen thuộc, được sử dụng cho các trường hợp bị đau xương khớp, đau đầu…ở mức độ trung bình. Chúng có tác dụng cải thiện cơn đau, tình trạng sưng viêm sau 2 – 3 liều sử dụng. 
  • Thuốc bôi chứa capsaicin: Bôi thuốc kết hợp với xoa bóp đều đặn và nhẹ nhàng có tác dụng giảm đau và sưng viêm nhanh chóng. Trong thuốc bôi có chứa hoạt chất ức chế phản ứng viêm, thư giãn các dây thần kinh và xoa dịu cơn đau hiệu quả. Bên cạnh đó, thuốc chứa capsaicin còn hạn chế tình trạng cứng khớp.

Đi kèm với những công dụng mà thuốc Tây y mang lại là những tác dụng phụ nhất định, nếu người bệnh sử dụng không đúng liều lượng. Vì thế, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ /dược sĩ khi sử dụng thuốc.

3.8 Thực hiện bài tập

Thực hiện các bài tập thể dục đau khuỷu tay có tác dụng cải thiện tình trạng đau, ngăn ngừa cơn đau tái phát và tăng khả năng vận động xương khớp. Một số bài tập dưới đây, nếu bạn kiên trì thực hiện đúng sẽ cảm nhận được kết quả tích cực. 

Bài tập 1: Nắm chặt tay

  • Bước 1: Ngồi thẳng lưng, đặt cẳng tay lên mặt bàn
  • Bước 2: Cầm một quả bóng nhỏ hoặc một chiếc khăn cuộn lại
  • Bước 3: Thực hiện động tác bóp khăn và giữ trong vòng 10 giây
  • Bước 4: Thả khăn từ từ và lặp lại động tác này 10 lần
  • Bước 5: Thực hiện tương tự với bên còn lại

Bài tập 2: Mở rộng cổ tay

  • Bước 1: Ngồi thẳng lưng trên ghế, khuỷu tay đặt lên đầu gối, cầm một quả tạ nặng khoảng 2kg khi lòng bàn tay hướng xuống
  • Bước 2: Cuộn cổ tay lại về phía cơ thể để mở rộng cổ tay, giữ lòng bàn tay hướng xuống
  • Bước 3: Trở lại vị trí cũ và đổi bên

Bài tập 3: Uốn cong cổ tay

  • Bước 1: Ngồi trên ghế, khuỷu tay đặt lên đầu gối, cầm một quả tạ 2kg trong lòng bàn tay
  • Bước 2: Uốn cong tay trong khi giữ nguyên lòng bàn tay hướng lên. Cố định phần còn lại của cánh tay
  • Bước 3: Trở lại vị trí cũ, thực hiện động tác 10 lần và đổi bên

bài tập giảm đau khớp cổ tay tại nhà

Thực hiện các bài tập hỗ trợ giảm đau khớp khuỷu tay

4. Bệnh tiềm ẩn khi bị đau khớp khuỷu tay

Đau khớp khuỷu tay nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:

  • Hạn chế trong vận động: Khớp khuỷu tay bị đau sẽ tác động xấu đến những bộ phận lân cận bao gồm: cổ tay, bàn tay, ngón tay, cẳng tay. Hiện tượng đau đớn lan đến toàn bộ cánh tay khiến người bệnh không thể vận động cánh tay lên, xuống hoặc bê vác vật dụng nặng.
  • Khớp khuỷu tay biến dạng: Khi hiện tượng đau khớp tiến triển nặng theo thời gian sẽ khiến khớp bị méo mó về hình dạng, có thể sưng lên cục to và chệch sang một bên. Tình trạng này kéo dài không chỉ gây đau đớn nặng nề mà còn mất yếu tố thẩm mỹ.
  • Một số bệnh lý nguy hiểm: Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, cơn đau khuỷu tay dai dẳng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm bao dịch hoạt, trật khớp, bệnh gout, bệnh lupus, bệnh lyme, viêm khớp khuỷu tay, viêm gân…
  • Khớp bị teo: Người bệnh đau khuỷu tay thường lười vận động khiến các cơ yếu dần theo thời gian, đồng thời gây tình trạng teo cơ, thậm chí biến dạng khuỷu tay…

bệnh tìm ẩn khi bị đau khớp khuỷu tay

Đau khớp khuỷu tay tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm

5. Lời khuyên

  • Hạn chế tham gia hoặc thực hiện các môn thể thao liên quan đến tay như bóng bàn, quần vợt, chơi golf, tập tạ, gym…
  • Khi thực hiện các bài tập cần khởi động đúng kỹ thuật, phù hợp với từng môn thể thao, nhất là liên quan đến cánh tay để làm nóng cơ thể.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, không mang vác vật dụng nặng hoặc duỗi thẳng cánh tay trong thời gian dài. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu vitamin, omega 3, protein…Đồng thời hạn chế chất kích thích, rượu, bia, đồ ăn ngọt, thực phẩm chế biến sẵn.

hạn chế khuân vác vật nặng khi bị đau khớp khuỷu tay

Người bệnh cần hạn chế mang, bưng bê vật dụng nặng

Sau khi tham khảo bài viết đau khớp khuỷu tay, nếu bạn đọc muốn tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến bệnh lý này vui lòng bình luận dưới bài viết để Diễm Châu liên hệ tư vấn cụ thể và hoàn toàn miễn phí. 

trac-nghiem-suc-khoe