Nguyên nhân gây đau đầu gối & Cách chữa tại nhà giúp giảm đau hiệu quả

Đau đầu gối có thể là kết quả của chấn thương, chẳng hạn như đứt dây chằng hoặc rách sụn. Các tình trạng y tế – bao gồm viêm khớp, bệnh gút và nhiễm trùng – cũng có thể gây ra đau đầu gối. Đau đầu gối nhẹ có thể điều trị bằng các biện pháp tự chăm sóc. Vật lý trị liệu và nẹp đầu gối cũng có thể giúp giảm đau.

1. Đau đầu gối dấu hiệu bệnh gì?

Đau đầu gối là tình trạng phổ biến ở cả nam và nữ. Đau đầu gối được phân thành đau đầu gối trái và đau đầu gối phải. Theo các chuyên gia, tùy vào triệu chứng của từng bệnh nhân mà chẩn đoán nguy cơ mắc các bệnh là khác nhau.

Đau đầu gối là dấu hiệu của bệnh gì? Điều này chủ yếu phụ thuộc vào các triệu chứng như: sưng, đỏ, đau, nóng, khó chịu kéo dài, gây khó khăn khi cử động hoặc di chuyển… ở đầu gối. Tình trạng này có thể là kết quả của chấn thương, chẳng hạn như: đứt dây chằng hoặc rách sụn. Ngoài ra, các tình trạng y tế bao gồm viêm khớp, bệnh gút và nhiễm trùng cũng có thể là tác nhân gây ra đau đầu gối.

Nếu tình trạng đau đầu gối nhẹ đáp ứng tốt với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà sẽ không đáng lo ngại. Song, trường hợp cơn đau dữ dội, kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, người bệnh không nên chủ quan. Bởi rất có thể, đây là biểu hiện cảnh báo bệnh lý nguy hiểm, cần được thăm khám và chữa trị càng sớm càng tốt.

đau đầu gối

Đau đầu gối gây sưng, đỏ, đau, nóng, khó chịu kéo dài, gây khó khăn khi cử động hoặc di chuyển…

2. Triệu chứng đau đầu gối thường gặp

Thông thường, đau đầu gối sẽ dẫn đến các triệu chứng rõ ràng. Cơn đau có thể xuất hiện dưới nhiều mức độ khác nhau (đau dữ dội trong vài phút hoặc âm ỉ kéo dài nhiều ngày) và đi kèm một số biểu hiện điển hình như:

  • Khớp gối đau nhức
  • Xung quanh đầu gối nổi đỏ, khi dùng tay chạm vào thấy đau
  • Cứng khớp
  • Sưng tấy
  • Không thể co, duỗi, uốn cong đầu gối
  • Khi cử động mạnh nghe tiếng lạo xạo phát ra từ trong khớp
  • Trong một số trường hợp còn có biểu hiện sốt, ớn lạnh, chán ăn

3. Nguyên nhân gây đau đầu gối

Đau đầu gối là hiện tượng phổ biến và xuất hiện từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là biểu hiện của bệnh lý xương khớp cũng có thể do chấn thương hoặc do tác động từ yếu tố nào đó. Cụ thể các nguyên nhân dẫn đến đau đầu gối như bên dưới:

3.1 Chấn thương

3.1.1 Chấn thương đầu gối

Nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau đầu gối đó chính là dính chấn thương do tai nạn giao thông, nghề nghiệp hoặc trong quá trình chơi thể thao. Chấn thương này làm tổn thương đến dây chằng, sụn, xương, từ đó cơn đau xuất hiện đi kèm với các triệu chứng khác.

Người bị đau đầu gối do chấn thương thường gặp ở những đối tượng như: vận động viên bóng đá, bóng chuyền, thợ sơn, thợ hồ…

3.1.2 Bong gân

Bong gân đầu gối cũng là một trong những hiện tượng dây chằng bị căng giãn quá mức hoặc bị rách giữa các mô xương với nhau. Tình trạng này khiến các cấu trúc trong khớp gối nối xương ống chân và xương đùi bị tổn thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó gây đau đớn, khó chịu và sưng tấy ở đầu gối. Hiện tượng này nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây viêm khớp.

3.1.3 Tổn thương dây chằng (ACL)

Tổn thương dây chằng ACL cũng là một trong những tác nhân điển hình gây đau đầu gối, khiến khớp gối sưng to và khó khăn khi cử động đầu gối. Thông thường sau vài tuần, các triệu chứng này sẽ thuyên giảm nhưng hiện tượng teo cơ hình thành, sự liên kết giữa xương đùi và xương chày cũng trở nên lỏng lẻo hơn.

3.1.4 Tổn thương sụn chêm

Sụn chêm bị rách dẫn đến tình trạng đau đớn, sưng đỏ khớp gối chủ yếu xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc nặng hoặc xoay đầu gối đột ngột. Khi mảnh sụn chêm bị rách có thể rơi vào giữa khe khớp, gọi là tình trạng kẹt khớp. Đối với trường hợp này, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi để cắt sụn chêm.

3.1.5 Gãy xương

Xương bánh chè là một trong những bộ phận trong khớp gối dễ bị gãy nứt nhất nếu có tác động mạnh từ yếu tố bên ngoài. Tình trạng đau đầu gối do gãy xương sẽ có những triệu chứng dễ nhận biết như: đau nhói, vết bầm tím xuất hiện, không thể cử động khi hai đầu xương bị gãy rời ra.

3.1.6 Trật khớp

Khi khớp gối bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu sẽ khiến đầu gối bị đau và sưng tấy. Đối tượng thường bị trật khớp bánh chè hoặc trật khớp chày đùi đó là vận động viên hoặc người thường xuyên chơi thể thao.

Tham khảo chi tiết tại bài viết: Trật khớp đầu gối nên làm gì? Bao lâu thì khỏi?

Bên cạnh các chấn thương trên thì viêm bao hoạt dịch gối cũng nằm trong top nguyên nhân gây đau đầu gối phổ biến. Bao hoạt dịch hay còn gọi là túi chứa chất lỏng (lót đệm ở ngoài khớp gối) giúp gân và dây chằng có thể hoạt động trơn tru. Nếu đầu gối gặp chấn thương có thể khiến bao hoạt dịch bị viêm, từ đó cơn đau gối khởi phát.

3.2 Dấu hiệu bệnh lý

3.2.1 Thoái hóa khớp gối

Đau đầu gối do bệnh thoái hóa khớp gối gây ra sẽ có những triệu chứng dễ nhận biết như: đau đớn mỗi khi vận động, gấp duỗi chân nghe tiếng lạo xạo phát ra từ khớp gối. Nguyên nhân gây bệnh là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, thói quen sinh hoạt xấu (lười tập thể dục, ngồi xổm đột ngột, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng). Chính vì thế, người già và người béo phì là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.

3.2.2 Viêm khớp gối

Đau đầu gối, cứng khớp, sưng đỏ quanh khu vực đầu gối…là những triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp gối. Căn bệnh này xuất hiện khi xương bị bào mòn trở nên thô ráp khiến các khớp xương va chạm nhiều hơn gây đau và khó khăn mỗi khi cử động gối. Người bệnh thường bị đau và cứng khớp vào lúc sáng sớm, phải xoa bóp khoảng 30 phút mới có thể đi lại bình thường.

3.2.3 Bệnh gout

Gout là một trong những bệnh xương khớp thường gặp ở nam giới. Bệnh lý này không chỉ gây nhức âm ỉ ở các khớp ngón tay, ngón chân mà còn ở vị trí đầu gối. Nếu cơn đau đầu gối tăng mạnh kèm với triệu chứng sưng tấy, nóng rát vào ban đêm rất có thể là biểu hiện của bệnh gout.

3.2.4 Viêm khớp nhiễm trùng

Bệnh xuất hiện ở các khớp lớn, trong đó có khớp gối. Ngoài triệu chứng đau đớn, sưng đỏ và cứng khớp, người bệnh còn có biểu hiện như sốt, ớn lạnh…Căn bệnh này cần được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm hạn chế tình trạng khớp bị phá hủy toàn bộ do nhiễm trùng quá lâu.

3.2 5 Viêm khớp dạng thấp

Thật thiếu sót nếu không kể đến tình trạng đau đầu gối do bệnh viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp dạng thấp) gây ra. Căn bệnh này không chỉ gây đau mà xung quanh vùng gối còn nổi mẩn đỏ, sưng và xơ cứng khớp. Ngoài ra, một số bộ phận khác như khớp lưng, khớp tay, khớp bàn chân cũng bị tổn thương nặng nề. Viêm khớp dạng thấp được đánh giá là bệnh lý xương khớp nguy hiểm, cần có biện pháp điều trị thích hợp để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Tìm hiểu chi tiết về cách chữa viêm khớp dạng thấp tại bài viết: Top Các Cách chữa viêm khớp dạng thấp hiệu quả hiện nay ( không cần điều trị nội khoa)

3.2.6 Hội chứng đau xương khớp

Hội chứng đau xương khớp hay còn gọi là đau nhiều khớp, bệnh gây tổn thương đến nhiều khớp trên của cơ thể trong đó có khớp gối. Các khớp đều có những triệu chứng tương đồng đó là sưng, nóng, rát nhưng không đỏ. Cơn đau tăng mạnh mỗi khi vận động hoặc nghỉ ngơi. Hội chứng đau xương khớp có thể khởi phát từ rất nhiều nguyên nhân chính, trong đó có nhiễm trùng, bệnh lý xương khớp, các yếu tố khách quan…Dù do nguyên nhân nào gây ra, người bệnh cũng cần có hướng xử lý kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

3.2.7 Hội chứng dải IT (iliotiiotics)

Đây là chấn thương đầu gối thường xuất hiện ở những thường liên tục gập gối 30 độ (vận động viên đạp xe, đi bộ, bơi lội, leo núi, chạy bộ). Khi hoạt động quá mức sẽ khiến dải chậu chày bị thắt lại. Điều này khiến dải chậu chày cọ xát vào bên ngoài đầu gối gây đau nhức ở vị trí xung quanh đầu gối, thậm chí lan đến đùi và vùng hông. Hiện tượng này có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví dụ như hạn chế vận động thường ngày gây ảnh hưởng đến đầu gối hoặc thay đổi thói quen tập luyện.

3.2.8 Bàn chân bẹt 

Hội chứng bàn chân bẹt khiến các xương ở cẳng chân xoay vào trong mỗi khi di chuyển, chạy nhảy, đồng thời khiến các khớp gối lệch và xoay, từ đó dẫn đến tình trạng đau nhức, viêm. Nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây thoái hóa khớp gối sớm. Không chỉ vậy, sự lệch trục cơ thể cũng tác động lớn đến vùng lưng và cổ.

3.2.9 Bệnh Osgood-Schlatter

Bệnh Osgood-Schlatter hay còn có tên gọi khác là đau đầu gối ở tuổi thiếu niên. Đây chính là hiện tượng sưng đau ở vùng lồi củ trên xương chày (ngay dưới khu vực xương chày) do thường xuyên vận động khớp (chạy nhảy, gập gối nhiều trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu một số bộ môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh…) làm cho cơ tứ đầu đùi bị co kéo nhiều, ảnh hưởng đến gân xương bánh chè.

3.2.10 Trật khớp xương bánh chè

So với trật khớp gối, trật khớp xương bánh chè nặng hơn rất nhiều. Cơn đau xuất hiện đột ngột, sau đó đầu gối bắt đầu biến dạng, người bệnh thường nghe tiếng “bốp” lớn phát ra từ đầu gối mỗi khi gập gối hoặc quỳ xuống. Phần lớn các trường hợp, trật bánh chè đầu gối thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng vật lý trị liệu và nẹp gối, trừ trường hợp gãy xương bánh chè hoặc trật bánh chè tái phát.

3.3 Các yếu tố nguy cơ khác

Chưa dừng lại ở chấn thương và bệnh lý, tình trạng đau đầu gối có thể là do:

  • Trọng lượng dư thừa cũng là tác nhân khiến các khớp, nhất là khớp gối chịu tổn thương nặng nề do áp lực cơ thể đè nặng.
  • Ít vận động cũng được điểm tên là một trong những yếu tố có nguy cơ gây đau đầu gối.
  • Vận động quá sức hay các thói quen sinh hoạt xấu như: thức khuya, thường xuyên sử dụng chất kích thích…lâu ngày cũng gây đau các khớp, trong đó có khớp gối.
  • Chấn thương từ trước do tai nạn giao thông, nghề nghiệp hoặc té ngã sàn nhà hay cầu thang lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến đầu gối. Lâu ngày không chữa trị gây đau nhức đầu gối dữ dội kèm theo các biểu hiện bất thường khác.
  • Đau khớp gối là tình trạng xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Tuy nhiên, những người thường xuyên sử dụng khớp gối (tính chất nghề nghiệp) như vận động viên rất dễ gặp phải hiện tượng này..

nguyên nhân đau đầu gối

Vận động quá sức, chấn thương… là các nguyên nhân thường gặp củ đau đầu gối

4. Tác hại của đau đầu gối

Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, hiện tượng đau đầu gối tiến triển nặng theo thời gian sẽ tác động rất lớn để khả năng sinh hoạt, vận động của người bệnh. Các triệu chứng đau nhức, sưng tấy, không thể co hoặc duỗi thẳng vào ban đêm còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Từ đó khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Lâu ngày gây chán ăn dẫn đến suy nhược cơ thể, sụt cân.

Trong trường hợp, đau đầu gối là biểu hiện của bệnh lý xương khớp không được điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, khiến việc đi lại trở nên khó khăn, thậm chí gây tàn phế.

Vì vậy, nếu nhận thấy các cơn đau đầu gối, đặc biệt là cơn đau nặng, kéo dài, người bệnh cần chủ động tìm đến đơn vị y tế để bác sĩ kiểm tra, thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

tác hại khi đau đầu gối

Đau đầu gối ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống 

5. Bị đau đầu gối phải làm sao?

Các biện pháp điều trị đau đầu gối phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Do đó, người bệnh nên tìm đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được chẩn đoán và gợi ý hướng điều trị hiệu quả.

Cụ thể, tùy vào mức độ nặng hoặc nhẹ của cơn đau người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp điều trị sau đây:

5.1 Biện pháp khắc phục tại nhà

Khi bị đau ở tình trạng nhẹ có thể áp dụng các biện pháp chữa đau đầu gối tại nhà như bên dưới

5.1.1 Nghỉ ngơi

Ngay khi bị đau đầu gối, việc bạn cần làm đầu tiên đó chính là dành thời gian nghỉ ngơi. Việc nghỉ ngơi không chỉ giúp các mô có thời gian hồi phục mà còn hạn chế nguy cơ khớp gối bị tổn thương nặng hơn. Trong lúc nghỉ ngơi, bạn có thể đi lại nhẹ nhàng kết hợp với xoa bóp đầu gối để hạn chế tình trạng cứng khớp và yếu cơ.

5.1.2 Tập các bài tập giảm đau đầu gối

Bên cạnh nghỉ ngơi thì người bệnh có thể cải thiện tình trạng đau đớn đầu gối bằng việc thực hiện các bài tập đơn giản tại nhà. Một số bài tập được các chuyên gia vật lý khuyến cáo người bệnh áp dụng như: nâng chân, bài tập con sò, kéo giãn cơ đùi trước, kéo giãn cơ gân khoeo…có tác dụng giúp cơ săn chắc, khỏe mạnh. Ngoài ra, việc tập luyện hằng ngày và đúng cách còn hỗ trợ tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Lưu ý: Trước khi thực hiện bất kỳ động tác nào, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn chi tiết, phù hợp với tình trạng bệnh.

5.1.3 Chườm nóng và chườm lạnh

Chườm nóng và chườm lạnh là một trong những phương pháp điều trị đau đầu gối tốt nhất tại nhà, được nhiều người bệnh áp dụng. Nếu nhiệt độ nóng từ nước ấm hoặc khăn giữ nhiệt có khả năng giảm đau cơ, khớp mạn tính thì nhiệt độ lạnh (túi chườm lạnh, khăn  đá) có tác dụng giảm đau, giảm sưng tấy và làm chậm tốc độ viêm rất hiệu quả.

chườm nóng lạnh chữa đau đầu gối

Người bệnh có thể chườm lạnh hoặc chườm nóng 2 lần/ngày; mỗi lần 15 – 20 phút để mang lại kết quả tốt.

5.1.4 Chú ý tư thế vận động hợp lý

Ngoài các cách điều trị đau đầu gối tại nhà trên, người bệnh cũng cần chú ý tư thế vận động, sinh hoạt hợp lý tránh tình trạng bệnh nặng thêm, chẳng hạn:

  • Tránh mang vác vận dụng nặng
  • Giữ thẳng lưng khi ngồi
  • Hạn chế ngồi hoặc đứng ở một tư thế quá lâu
  • Tránh đứng lên, ngồi xuống (ngồi xổm) một cách đột ngột

5.1.5 Điều trị dứt điểm bằng trang thiết bị hiện đại

Với sự phát triển mạnh của nền y học, hiện nay nhiều bệnh viện đa khoa uy tín áp dụng các trang thiết bị y tế hiện đại để điều trị bệnh nhân bị đau đầu gối như:

  • Tia laser trị liệu mô tế bào sâu cấp IV có tác dụng giảm đau, giảm sưng viêm và hỗ trợ cải thiện tuần hoàn.
  • Sóng xung kích Shockwave có vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo mô bị tổn thương và làm giãn những cơ co thắt, sau đó xoa dịu cơn đau hiệu quả.

5.1.6 Uống thuốc chống viêm

Sau một thời gian ngắn điều trị đau đầu gối tại nhà, nếu bạn nhận thấy các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm và ngày càng có dấu hiệu nặng hơn, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống đau, chống viêm. Hiện tại, các loại thuốc giảm đau thông thường được áp dụng phổ biến như: paracetamol (acetaminophen) hoặc các chế phẩm kết hợp giữa paracetamol với cafein ,tramadol, codein…

5.1.7 Sử dụng thực phẩm chức năng

Bên cạnh thuốc giảm đau, người bệnh có thể bổ sung một số thực phẩm chức năng như: sulfat, lucosamin, chondroitin sulfat,…Chúng có khả năng bổ trợ cho khớp gối, giảm đau, giảm sưng viêm, đồng thời làm chậm quá trình tổn thương khớp.

 Khuyến cáo: Trước khi sử dụng thuốc Tây y hoặc thực phẩm chức năng, người bệnh nên trao đổi với các bác sĩ chuyên môn để sử dụng đúng liều lượng, thời gian nhằm mang lại kết quả cao nhất.

5.1.8 Cân bằng trọng lượng cơ thể

Duy trì cơ thể ở mức độ cân đối (cân nặng phù hợp với chiều cao) cũng là một trong những phương pháp giảm đau đầu gối hiệu quả nhưng ít ai biết. Bạn có thể giảm cân bằng các phương pháp lành mạnh tại nhà như: ăn kiêng, thường xuyên tập thể dục (yoga, ngồi thuyền). Tránh tình trạng sử dụng thuốc giảm cân thần tốc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát sinh nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

5.1.9 Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu như: căng gân gót, căng gân khoeo, kéo giãn cơ tứ đầu đùi khi đứng, mở rộng chân…mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể nói chung và đầu gối nói riêng như: giảm đau, tăng cường sức mạnh các cơ, khôi phục biên độ vận đồng đồng thời phòng tránh các chấn thương xảy ra trong tương lai. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập tại nhà nhưng cần hỏi thăm ý kiến của bác sĩ chuyên môn để tập đúng cách.

Tham khảo chi tiết về cách chữa đau đầu gối tại nhà ở bài viết: Mách bạn cách trị đau đầu gối tại nhà nhanh, hiệu quả nhất

5.2 Điều trị tại cơ sở y tế

5.2.1 Tiêm thuốc

Nếu thuốc uống không có khả năng giảm đau và ngăn chặn cơn đau tiến triển nặng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc. Một số loại thuốc tiêm được hầu hết các bệnh viện uy tín trong nước áp dụng phổ biến trong quá trình điều trị tình trạng đau đầu khớp như:

  • Thuốc corticoid: Tiêm thuốc corticosteroid vào khớp gối của bạn có thể làm giảm các triệu chứng của đợt bùng phát viêm khớp và ngăn ngừa cơn đau kéo dài. Tuy nhiên, thuốc tiêm corticoid không được chỉ định cho người bệnh bị đau đầu gối do gout, nhiễm vi khuẩn, siêu vi, nấm; người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
  • Axit hyaluronic: Đây là chất lỏng đặc, tương tự như chất lỏng bôi trơn khớp tự nhiên. Một vài nghiên cứu cho thấy, axit hyaluronic khi được tiêm vào đầu gối của bạn có tác dụng giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP – Platelet-rich Plasma): PRP chứa nồng độ của nhiều yếu tố tăng trưởng khác nhau có tác dụng giảm viêm và thúc đẩy quá trình chữa lành. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, PRP có thể có lợi cho những người bị viêm xương khớp nhất định, nhưng vẫn đang chờ nhiều nghiên cứu cho kết quả tốt hơn.

5.2.2 Phẫu thuật

phẫu thuật chữa đau đầu gối

Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng cuối cùng khi tình trạng đau đầu gối không thể chữa trị khỏi bằng tất cả các phương pháp trên.

Thông thường, trước khi chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ sẽ trao đổi ưu, nhược điểm của phương pháp này với bệnh nhân.

Ưu điểm: 

  • Cải thiện cơn đau nhanh chóng và hiệu quả, tránh nguy cơ tàn phế, giúp người bệnh sớm trở lại đời sống sinh hoạt hằng ngày
  • Không tổn thương đến các phần mềm xung quanh khớp gối, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng

Nhược điểm

  • Thời gian hồi phục vết thương và nằm viện lâu
  • Có thể bị mất nhiều máu trong quá trình phẫu thuật

Chính vì vậy, người bệnh cần cân nhắc thật kỹ trước khi đồng ý tiểu phẫu. Một số phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện nay là:

  • Phẫu thuật nội soi khớp: Tùy thuộc vào chấn thương của bạn, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và sửa chữa tổn thương khớp bằng cách sử dụng máy ảnh sợi quang và các dụng cụ dài, hẹp được đưa vào chỉ qua một vài vết rạch nhỏ xung quanh đầu gối. Nội soi khớp được sử dụng để loại bỏ các thể lỏng lẻo khỏi khớp gối hoặc sửa chữa sụn bị hư hỏng (trong trường hợp đầu gối bị khóa lại) và tái tạo lại các dây chằng bị rách.
  • Phẫu thuật thay một phần khớp gối: Trong quy trình này, bác sĩ sẽ tiến hành thay thế phần bị hư hỏng nặng nhất của đầu gối bằng các bộ phận được làm từ kim loại và nhựa. Phẫu thuật thường được thực hiện thông qua các vết mổ nhỏ, vì vậy vết thương cũng nhanh lành hơn so với phẫu thuật thay toàn bộ đầu gối.
  • Thay toàn bộ đầu gối: Nếu bắt buộc thay toàn bộ đầu gối, bác sĩ sẽ cắt bỏ xương và sụn bị hư hỏng từ xương đùi, xương ống chân và xương bánh chè. Sau đó, thay thế chúng bằng một khớp nhân tạo được làm từ hợp kim kim loại, nhựa cao cấp và polyme.
  • Cắt xương: Thủ thuật này bao gồm việc loại bỏ xương bị hư hỏng khỏi xương đùi hoặc xương ống quyển để khớp gối tốt hơn và giảm đau do viêm khớp. Phẫu thuật này có thể giúp bạn trì hoãn hoặc tránh phẫu thuật thay toàn bộ đầu gối.

6. Bị đau gối bao lâu thì hết?

Bị đau gối bao lâu thì hết? Là thắc mắc chung của phần lớn bệnh nhân không may gặp phải tình trạng đau đầu gối. Trả lời câu hỏi này, các bác sĩ chuyên khoa xương khớp cho rằng, thời gian hồi phục khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể: mức độ đau và nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Đối với trường hợp, đau đầu gối do chấn thương hoặc các yếu tố khác, bệnh nhân có thể kết thúc cơn đau và quay lại hoạt động bình thường trong vòng 3 – 5 tuần. Còn đối với trường hợp, cơn đau kéo dài dai dẳng, là biểu hiện của bệnh lý xương khớp, thời gian hồi phục sẽ lâu hơn có thể 4 – 6 tuần. Sau khoảng thời gian này, người bệnh có thể quay trở lại một số hoạt động như: đi xe đạp, đi bộ, leo cầu thang…Song, người bệnh cần hạn chế vận động nặng (mang, vác, bưng bê đồ vật có trọng lượng lớn), các bộ môn thể thao cường độ cao để tránh chấn thương tái phát.

7. Cách ngăn ngừa đau đầu gối?

Mặc dù không thể ngăn ngừa tất cả các chấn thương đau đầu gối, nhưng bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm khả năng xảy ra.

  • Cân bằng trọng lượng cơ thể
  • Thường xuyên hoạt động thể chất nhằm giảm tình trạng đau nhức đầu gối
  • Không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu hoặc đứng lên, ngồi xổm đột ngột
  • Giữ thẳng lưng khi ngồi
  • Khi đầu gối có dấu hiệu đau nhức, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn và xoa bóp đầu gối
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, omega 3, axit béo…để hỗ trợ xương khớp chắc khỏe

Mong rằng, bài viết mà Diễm Châu chia sẻ trên đây giúp bạn có cái nhìn tổng quan về tình trạng đau đầu gối. Tuy không phải là hiện tượng xương khớp nguy hiểm nhưng người bệnh đừng quên chú trọng tập luyện phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe để giúp phòng chống tối đa nguy cơ bị tàn phế và sớm trở lại hoạt động thường ngày.

trac-nghiem-suc-khoe