Những ảnh hưởng đến từ thói quen bẻ khớp tay thường xuyên

Bẻ khớp tay là thói quen thường thấy ở nhiều người, nhất là khi làm việc mệt mỏi. Ít ai biết hành động nhỏ này về lâu dài có thể đem đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

1. Điều gì khiến mọi người thích bẻ khớp tay?

be-khop-ngon-tay-1

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hội đồng Y học Gia đình Mỹ (JABFM) năm 2011, nhiều người thích bẻ khớp tay và một số vị trí khác trên cơ thể vì:

– Âm thanh rắc rắc từ hành động bẻ khớp làm họ thích thú

– Cảm giác giảm căng thẳng: nhiều người cho rằng việc bẻ khớp ngón tay, chân, vặn người có thể tạo ra các khoảng trống trong khớp, giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng vận động.

Thao tác kích thích khớp sẽ tác động đến tổ hợp gân Golgi – tức tổ hợp dây thần kinh liên quan đến cảm giác chuyển động, khiến chúng ta cảm thấy như các cơ xung quanh khớp được thư giãn, giảm áp lực khớp nối.

Tuy nhiên tất cả chỉ nằm ở cảm giác, không có bằng chứng cho thấy bẻ khớp giúp giảm căng thẳng hay hỗ trợ các vấn đề về cơ, xương khớp.

– Thói quen: Bẻ khớp tay, chân dường như có sức hút khó giải thích. Khi bẻ được một ngón sẽ có xu hướng thực hiện với các ngón còn lại, hai bàn tay, rồi cổ tay… Từ đó tạo nên thói quen trong vô thức.

2. Vì sao bẻ khớp tay thường tạo ra tiếng rắc rắc?

Hiện chưa có nghiên cứu hay kết luận chính xác cho điều này. Một số chuyên gia cho rằng âm thanh xuất phát từ bọt khí nitơ hình thành hoặc xẹp xuống trong dịch khớp.

Theo một nghiên cứu năm 2015, một nhóm chuyên gia đã theo dõi các khớp ngón tay khi bị bẻ bằng máy MRI, họ phát hiện một khoang hình thành do áp suất âm tạo ra khi khớp bị kéo ra xa nhanh và âm thanh được tạo ra từ các khoang này. Tuy nhiên độ lớn của âm thanh vẫn chưa được lý giải.

Năm 2018, nghiên cứu khác cho rằng sau 20 phút các khoang mới xẹp xuống hoàn toàn và quay trở lại trạng thái ban đầu. Đây là lý do không thể bẻ khớp nhiều lần trên một ngón tay.

3. Bẻ khớp tay có nguy hiểm không?

be-khop-ngon-tay-2

Theo một số nghiên cứu, việc bẻ khớp tay không ảnh hưởng sức cầm nắm của đôi tay, tuy nhiên nếu lặp lại thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sụn cổ tay dày lên, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Nếu cảm giác đau khi bẻ khớp, cần liên hệ bác sĩ ngay vì có thể cấu trúc khớp đang gặp vấn đề như lỏng sụn, dây chằng tổn thương. Một số bệnh nhân bị viêm khớp, viêm bao hoạt dịch hoặc gân cũng báo cáo về tiếng rắc trong cơ xương khớp do các mô sưng lên không đều.

Ngoài ra, bạn có thể bị chấn thương ngón tay nếu kéo mạnh hoặc di chuyển sai hướng, khi đó ngón sẽ bị cong vẹo hoặc sưng đầu. Nếu điều này xuất hiện, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay.

Nhìn chung, bẻ khớp không phải hành động gây hại ngay lập tức. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong thời gian dài. Hãy cẩn trọng, tránh để bị tổn thương khi bẻ khớp tay, chân.

,

Về diemchau

Dược sĩ Trissie Diễm Nguyễn tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại trường đại học Temple University, USA. Sau khi ra trường, Dược sĩ Diễm đã làm việc cho nhiều công ty Pharmaceuticals và Pharmacy của Mỹ trong nhiều năm .
Xem tất cả các bài viết của diemchau →