Sự khác nhau giữa Lupus ban đỏ và Vảy nến

Bệnh vảy nến và lupus ban đỏ là tình trạng tự miễn dịch có thể ảnh hưởng đến làn da. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa lupus ban đỏ và vảy nến vì những biểu hiện tương tự nhau như nổi mảng đỏ trên da, sưng, cứng khớp… Tuy nhiên, đây là 2 căn bệnh hoàn toàn khác nhau với những rối loạn riêng biệt.

1. Triệu chứng điển hình

Lupus ban đỏ có sự biểu hiện khác nhau trên mỗi người, nhưng phần lớn ai cũng phải trải qua tình trạng bệnh tồi tệ ở một số thời điểm nhất định. Các triệu chứng của lupus ban đỏ có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột, tạm thời hay thậm chí vĩnh viễn.

Một số biểu hiện của lupus ban đỏ như hình dạng con bướm ở khu vực mũi và má, mệt mỏi, cứng khớp, sốt, đau ngực, nhức đầu.

lupus-ban-do-vay-nen
Một số biểu hiện của lupus ban đỏ như hình dạng con bướm ở khu vực mũi và má

Người mắc lupus ban đỏ cũng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng, các ngón tay ngón chân có màu trắng hoặc xanh khi bị lạnh hoặc căng thẳng. Loét trong miệng hoặc mũi, sưng tay chân, rụng tóc cũng là một biểu hiện.

Tương tự lupus ban đỏ, vảy nến cũng có những biểu hiện khác nhau ở từng người và dễ tái phát. Các biểu hiện thường thấy như mệt mỏi, đau, sưng và nóng ở các khớp, đau gót chân, đau lưng, mảng vảy trên da bong tróc, móng rỗ hoặc đổi màu.

Phát ban là triệu chứng thường thấy ở cả 2 bệnh này, tuy nhiên vảy nến thường ngứa nhưng lupus không gây ngứa.

Vảy nến có thể gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng, còn lupus ban đỏ có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Các kháng thể được tạo ra sẽ tấn công các cơ quan khoẻ mạnh khi bạn mắc phải lupus ban đỏ. Một số trường hợp phải nhập viện và bị đe doạ mạng sống.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bình thường, khi bị bệnh, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể để giúp bạn hồi phục sức khoẻ. Những kháng thể này sẽ giúp tiêu diệt các vi trùng, vi khuẩn, virus. Còn khi mắc bệnh lupus ban đỏ hoặc vảy nến, hệ miễn dịch sẽ bị rối loạn, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể nhưng lại tấn công nhầm vào các mô lành mạnh.

Bệnh lupus xảy ra khi hệ miễn dịch rối loạn, tấn công các bộ phận và mô lành mạnh. Bệnh gây viêm và ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, da, não, tế bào máu.

Hiện chưa có nguyên nhân chính xác gây bệnh lupus. Một số chuyên gia cho rằng gene là một trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh lupus và một số kích hoạt như ánh nắng mặt trời, nhiễm trùng, thuốc huyết áp hoặc thuốc chống co giật.

Bệnh vảy nến cũng xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô khoẻ mạnh, khiến các khớp bị viêm và da tạo ra quá nhiều tế bào. Hiện cũng chưa rõ nguyên nhân nào khiến hệ miễn dịch tấn công cơ thể gây ra bệnh vảy nến. Các nhà khoa học cho rằng có thể liên quan đến gene và một số yếu tố kích hoạt.

lupus-ban-do-vay-nen-2
Hiện cũng chưa rõ nguyên nhân nào khiến hệ miễn dịch tấn công cơ thể gây ra bệnh vảy nến

Cả 2 bệnh trên đều là tình trạng tự miễn dịch. Tuy nhiên, lupus khiến hệ miễn dịch tấn công các bộ phận trong cơ thể thì vảy nến thường xảy ra trên da, móng tay, móng chân. Những người mắc viêm khớp vảy nến cũng có thể gặp các triệu chứng ở khớp.

3. Những đối tượng nào có thể mắc bệnh?

Bệnh vảy nến có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Thông thường mọi người thường phát triển tình trạng này từ 15 đến 35 tuổi. Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh vảy nến thì nguy cơ mắc bệnh ở bạn sẽ cao hơn.

Những người thường xuyên hút thuốc sẽ dễ mắc bệnh vảy nên hơn đồng thời mức độ bệnh cũng nghiêm trọng hơn. Căng thẳng có thể tác động đến hệ miễn dịch, đây cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Lupus ban đỏ phần lớn diễn ra ở độ tuổi từ 15 đến 44, tỷ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới. Phụ nữ da trắng có nguy cơ mắc lupus thấp hơn phụ nữ da màu.

,

Về diemchau

Dược sĩ Trissie Diễm Nguyễn tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại trường đại học Temple University, USA. Sau khi ra trường, Dược sĩ Diễm đã làm việc cho nhiều công ty Pharmaceuticals và Pharmacy của Mỹ trong nhiều năm .
Xem tất cả các bài viết của diemchau →