Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không

Thoái hóa đốt sống cổ là một thuật ngữ chung để chỉ sự hao mòn do tuổi tác ảnh hưởng đến các đĩa đệm cột sống ở cổ. Khi các đĩa đệm mất nước và co lại, các dấu hiệu của viêm xương khớp phát triển, bao gồm cả hình chiếu xương dọc theo các cạnh của xương (xương cựa). Thoái hóa đốt sống cổ rất phổ biến và ngày càng nặng theo độ tuổi.

1. Thoái hoá đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh thường gặp và có tên gọi khác là thoái hóa cột sống cổ. Trong y học, đây là một loại bệnh xương khớp mãn tính. Căn bệnh này xuất hiện do đĩa đệm cột sống bị khô cứng do mất nước tự nhiên, viêm nhiễm và không đàn hồi như ban đầu. Khi đó, một số bộ phận như đốt sống, đĩa đệm, đầu sụn và các tổ chức bao hoạt dịch có dấu hiệu bị bào mòn và lão hóa gây ra các cơn đau đớn, tê mỏi ở đốt sống cổ. Nhiều trường hợp, các dây chằng cổ còn xuất hiện các khối viêm dày làm hẹp hoặc chèn ép, thậm chí tắc lỗ sống vào rễ thần kinh.

thoai-hoa-cot-song-co-1
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống

Cột sống cổ của chúng ta bao gồm 7 đốt sống, được kí hiệu C1-C7. Tất cả các vị trí trên cột sống cổ đều có nguy cơ bị thoái hóa. Tuy nhiên, một số đốt sống có nguy cơ thoái hoá cao là: C4, C5, C6 và C7.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thoái hoá cột sống cổ đặc trưng bởi quá trình viêm và lắng đọng canxi trên các dây chằng xung quanh cột sống. Hiện tượng này làm hẹp các lỗ sống, cản trở lưu thông tuần hoàn và dẫn truyền thần kinh. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường tiến triển rất chậm nhưng những tổn thương mà bệnh gây ra sẽ làm cho quá trình chữa bệnh gặp nhiều khó khăn và khó hồi phục.

2. Triệu chứng của thoái hoá đốt sống cổ

Theo các chuyên gia cho biết, các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường diễn biến âm thầm. Hầu hết, ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân không có nhiều triệu chứng điển hình. Các dấu hiệu thường gặp: mệt mỏi, mỏi hay đau nhức nhẹ cổ vai gáy…

Càng về sau, triệu chứng của bệnh ngày càng nặng hơn dấu hiệu cụ thể như sau:

2.1. Đau

  • Ban đầu, bệnh nhân đau mỏi nhẹ vùng cổ vai gáy. Nhất là những hôm thời tiết trở lạnh, kê cao gối hay cúi đầu quá nhiều…Phần lớn người bệnh chủ quan, không đi kiểm tra ngay ở giai đoạn này.
  • Tần suất và mức độ đau cổ tăng dần theo thời gian: Người bệnh đau mỏi không rõ nguyên nhân thường xuyên hơn, cảm giác đau buốt rõ rệt. Các cử động nhẹ cũng gây đau buốt, thậm chí người bệnh có thể bị tê cứng và không cử động cổ được. Cơn đau từ cổ lan xuống bả vai hay cánh tay, có thể lan lên tai, chẩm trán…

Lúc này, bệnh nhân mới đến cơ sở y tế để kiểm tra thì tình trạng thoái hoá cột sống đã ở giai đoạn nặng, rất khó điều trị.

Ngoài đau mỏi cổ vai gáy, người bệnh còn có thể đau dọc theo dây thần kinh. Cơn đau kéo dài thành dải, từ vai gáy lan lên đầu. Nếu không được điều trị ngay, bệnh nhân dễ bị rối loạn cảm giác.

thoai-hoa-dot-song-co-2
Khi bị thoái hóa đốt sống cổ bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau nhức ở vùng cổ

2.2. Khó khăn trong cử động

  • Cử động khớp cổ có tiếng lục cục do khô khớp. Cử động cổ khó khăn và gây đau. Một số người không thể quay cổ sang phải hay trái, phải quay cả người.
  • Khi ngủ kê gối quá cao, nằm nghiêng một bên… bệnh nhân dễ bị cứng cổ và đau nhức khi tỉnh dậy.

2.3. Cột sống biến dạng

  • Cong vẹo cổ, sái cổ.
  • Gai xương nổi lên, bị phồng lồi đĩa đệm.

Trường hợp thoái hóa đốt sống cổ chèn ép lên vùng tủy sống, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng:

  • Đau nhức, tê buốt bàn tay, bàn chân, cánh tay và chân.
  • Cơ thể thiếu đi sự phối hợp.
  • Phản xạ cơ thể bất thường.
  • Đại tiểu tiện không kiểm soát.

2.4. Dấu hiệu Lhermitte

  • Đây là tình trạng thường gặp ở các trường hợp thoái hoá cột sống cổ giai đoạn nặng.
  • Triệu chứng điển hình: cảm giác có luồng điện từ cổ xuống xương sống, cánh tay và chân, ngón tay và ngón chân.
  • Cảm giác này xuất hiện đột ngột và mạnh hơn khi cúi cổ về phía trước.

Đọc thêm về Thoái hoá cột sống cổ nên nằm thế nào

3. Nguyên nhân gây thoái hoá đốt sống cổ

Theo các bác sĩ, tình trạng thoái hóa hệ thống xương cột sống xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như đặc thù công việc, thói quen xấu trong lao động, sinh hoạt và tuổi tác… Việc tìm hiểu rõ bệnh thoái hoá đốt sống cổ do yếu tố nào gây ra sẽ giúp bạn phòng tránh và chữa bệnh hiệu quả. 

3.1. Tuổi tác

Đây là một trong những tác nhân gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ, và là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này ở người trung niên và người già. Bởi độ tuổi càng lớn thì tình trạng mất nước tự nhiên của sụn khớp càng nhiều. Tác nhân này dẫn đến bao xơ, đĩa sụn khớp, nhân đĩa đệm bị tổn thương.

Theo một số tài liệu nghiên cứu về bệnh thoái hóa cột sống cổ thường xảy ra ở người trung niên từ 40 – 50 tuổi. Ở độ tuổi này, quá trình lão hóa xương khớp bắt đầu tiến triển nhanh chóng nếu người bệnh không có chế độ ăn uống khoa học hay tập luyện thể dục đều đặn.

thoai-hoa-dot-song-co-4
Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ rất cao

3.2. Tai nạn, chấn thương

Có thể nói rằng, bệnh thoái hóa đốt sống cổ là một trong những biến chứng của các chấn thương do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Nếu như trong quá khứ, người bệnh có tiền sử bị chấn thương ở vùng đầu, cổ, lưng thì dưới tác động của chấn thương cũ, phần sụn đầu đốt sống cũng bị tổn thương ít nhiều. Tình trạng này nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống cổ. 

3.3. Thói quen sinh hoạt, làm việc

Hoạt động sai tư thế là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng thoái hoá đốt sống cổ. Một số thói quen, đặc thù công việc gây nên bệnh lý này:

  • Ngồi làm việc và học tập sai tư thế: cổ không thẳng, bàn thấp hơn hay quá cao so với ghế…
  • Ngủ kê gối quá cao hay gối quá mềm, nằm nghiêng một bên…
  • Khiêng vác đồ nặng bằng đầu hay vai thường xuyên.

Những thói quen không tốt này làm sai lệch cấu trúc của cổ. Từ đó làm biến đổi mô xương, dây chằng và cơ, hình thành gai xương đốt sống và thoái hoá đốt sống cổ.

3.4. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu hụt các khoáng chất cần thiết cho cơ thể cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý thoái hoá đốt sống cổ. Bởi khi thiếu hụt khoáng chất, đặc biệt là canxi, cơ thể sẽ huy động canxi từ xương ra. Từ đấy, khiến cột sống cổ yếu đi, dễ bị sai lệch cấu trúc và gây nên nhiều bệnh lý.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa đốt cột sống cũng xuất phát từ việc thay đổi đĩa đệm và cột sống.

3.5. Di truyền

Trong một số trường hợp, bệnh thoái hóa đốt sống cổ phát sinh có thể là do di truyền. Theo các bác sĩ chuyên khoa, gia đình có người mắc bệnh xương khớp thì các thành viên còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ rất cao.

4. Các đối tượng dễ mắc thoái hoá đốt sống cổ

Ngày nay, thoái hóa cột sống cổ không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà những đối tượng  sau cũng đang đối mặt với bệnh lý này:

  • Nhóm đối tượng có đặc thù công việc phải cúi đầu nhiều, cử động vùng đầu cổ thường xuyên. Điển hình cho nhóm đối tượng này là thợ làm nail, thợ làm tóc, người bốc vác, nha sĩ… Họ là những người có khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ cao hơn người bình thường. 
  • Nhân viên văn phòng: Đặc thù công việc văn phòng là ngồi tại chỗ nhiều, ít vận động, giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Do đó, nhân viên văn phòng là đối tượng thường có dấu hiệu thoái hoá xương khớp ở độ tuổi trẻ nhất.
thoai-hoa-dot-song-co-3
Nhân viên văn phòng là đối tượng thường có dấu hiệu thoái hoá đốt sống cổ
  • Người cao tuổi: Nhóm đối tượng này dễ bị thoái hoá xương khớp nói chung hay thoái hoá cột sống cổ nói riêng bởi:

+ Tốc độ lão hóa xương khớp nhanh chóng, cấu trúc xương dễ bị biến đổi.

+ Lượng tuần hoàn nuôi xương giảm.

+ Dịch khớp giảm dần theo tuổi tác.

Ngoài ra, thoái hóa cột sống cổ cũng là bệnh lý mà những người lười lao động, hút thuốc lá nhiều hay những người thường xuyên mang vác vật dụng nặng cũng có nguy cơ mắc bệnh. 

Theo thống kê, tỉ lệ xuất hiện của bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở nam và nữ giới là cân bằng. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của bệnh nhân. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện bệnh cần thăm khám và điều trị sớm. Đồng thời tránh những biến chứng khó lường như: thiếu máu lên não, gai cột sống cổ, thậm chí dẫn đến chứng bại liệt nửa người. 

5. Các phương pháp điều trị thoái hoá đốt sống cổ

Với mục đích tìm ra nguyên nhân gây bệnh và áp dụng phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất, các bác sĩ chuyên khoa xương khớp sẽ áp dụng một số cách chẩn đoán bệnh như sau:

5.1. Kiểm tra lâm sàng

Cũng giống như nhiều căn bệnh xương khớp khác, bước đầu bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân vận động (xoay, cúi lên, cúi xuống) vùng cổ. Bước tiếp theo sẽ kiểm tra một số phản xạ và sức cơ ở hai cánh tay để phát hiện rõ nét nhất việc ảnh hưởng của thoái hóa lên dây thần kinh hoặc tủy sống.

Bước cuối cùng, bác sĩ sẽ hỏi thăm tiền sử bệnh án như: gia đình có ai mắc bệnh; đã từng bị tai nạn, chấn thương ở vùng đầu, cổ hay chưa? Lịch sử dùng thuốc?… Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán tiếp theo và áp dụng cách điều trị phù hợp để đẩy lùi bệnh kịp thời.

thoai-hoa-dot-song-co-2
Kết hợp sử dụng thuốc điều trị triệu chứng và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

5.2. Xét nghiệm

Sau khi nắm được thông tin cơ bản của bệnh thoái hóa cột sống cổ, đội ngũ y bác sĩ sẽ áp dụng một trong những phương pháp chẩn đoán hiện đại sau để có thể nắm được hình ảnh bệnh lý một cách chi tiết nhất. 

  • Chụp CT: Đây là cách chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ được đánh giá cao hiện nay. Chụp CT vùng cổ giúp các y bác sĩ dễ dàng phát hiện ra những tổn thương, dị dạng rất nhỏ hoặc các bệnh lý ở vùng cột sống cổ mà mắt thường không thể nhìn thấy rõ. Theo các chuyên gia khoa xương khớp, quá trình chụp CT diễn ra ngắn, khoảng từ 5 – 15 phút. Tuy nhiên, bệnh nhân nên lưu ý giữ nguyên tư thế, hạn chế làm rung mờ ảnh chụp, để hình ảnh rõ nét nhất bệnh nhân nên nín thở vài giây. 
  • Chụp X-quang: Để chẩn đoán những chấn thương, các khối u ở cổ, trật khớp… tại cột sống cổ nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao thì chụp X-quang là một trong những phương pháp mà bác sĩ lựa chọn. Trong quá trình chụp chụp X-quang, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể cho bệnh nhân về quy trình chụp và những điều cần lưu ý trong thời gian chụp để có được kết quả tốt nhất. Sau khi chụp X- quang, bác sĩ sẽ có được kết quả như: thấy rõ các khe khớp và đốt sống cổ, lấy được toàn bộ đốt sống cổ…
  • Chụp cộng hưởng (MRI): Bên cạnh phương pháp chẩn đoán CT và X-quang thì cách chụp cộng hưởng ngày nay cũng được nhiều bệnh viện, phòng khám áp dụng. Bởi chụp cộng hưởng MRI có thể giúp bác sĩ xác định cụ thể, chi tiết và chính xác các khu vực dây thần kinh bị chèn ép. 

Ngoài ra, tùy vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm chức năng thần kinh để biết được các tín hiệu thần kinh có truyền đúng đến cơ hay không. Các phương pháp xét nghiệm chức năng thần kinh được áp dụng như điện cơ, nghiên cứu dẫn truyền dây thần kinh. 

thoai-hoa-dot-song-co-6
Chụp cộng hưởng là cách chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ hiệu quả

6. Các phương pháp điều trị thoái hoá đốt sống cổ

Các bác sĩ chuyên khoa xương khớp cho biết, quá trình điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ gặp nhiều khó khăn và tốn rất nhiều thời gian. Đòi hỏi người bệnh phải kiên trì bởi quá trình điều trị kéo dài và đúng phương pháp mới mang lại kết quả cao. Khi phát hiện ra những triệu chứng của bệnh, người bệnh nên tìm đến bệnh viện hoặc phòng khám xương khớp để thăm khám và được chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.

6.1. Nguyên tắc điều trị thoái hoá đốt sống cổ

Kết hợp sử dụng thuốc điều trị triệu chứng và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được bổ sung khoáng chất đầy đủ, thay đổi các thói quen xấu trong sinh hoạt và làm việc để tránh bệnh tái phát.

6.2. Sử dụng thuốc Tây y

  • Paracetamol: là lựa chọn hàng đầu khi cân nhắc lợi ích và hậu quả sử dụng thuốc. Trường hợp đau nặng, bác sĩ sẽ phối hợp với thuốc giảm đau trung ương: codein, dextropropoxyphen…
  • Tramadol: dùng khi bệnh nhân không đáp ứng với paracetamol kết hợp thuốc giảm đau trung ương. Lưu ý: dùng ngắn ngày, liều thấp nhất để giảm đau cấp và tránh tác dụng không mong muốn.
  • Trường hợp thoái hoá cột sống cổ có viêm: sử dụng nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, ibuprofen, naproxen… hay nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như celecoxib, etoricoxib… Thận trọng với người cao tuổi, người có bệnh lý đường tiêu hoá, tim mạch hay gan thận.
  •  Trường hợp bệnh nhân đau dọc theo dây thần kinh: sử dụng thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, pregabalin và kết hợp vitamin nhóm B (B1, B6, B12), mecobalamin để bổ thần kinh.
  • Trường hợp thoái hoá cột sống cổ giai đoạn nặng, bệnh nhân đau dai dẳng, thường xuyên: tiêm glucocorticoid cạnh cột sống.
  • Nhóm thuốc chống thoái hóa xương khớp: piascledine, glucosamine sulfate…
thoai-hoa-dot-song-co-7
Người bị thoái hóa đốt sống cổ nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

6.3. Sử dụng thuốc Đông y

Bên cạnh thuốc Tây thì thuốc Đông y cũng được nhiều người lựa chọn để làm chậm đi quá trình phát triển của bệnh thoái hóa cột sống cổ. Đồng thời, phương pháp này có rất nhiều ưu điểm như lành tính, ít tốn kém chi phí. Tuy nhiên, cách điều trị này chỉ nên áp dụng đối với những bệnh nhân có bệnh ở giai đoạn đầu. Nếu tình trạng bệnh nặng kéo dài, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ chỉ định phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Một số bài thuốc dân gian được giới chuyên gia đánh giá cao như sau:

  • Gừng: Đây là một loại củ không chỉ dùng làm gia vị để tạo ra những món ăn thơm ngon mà còn là bài thuốc chữa các bệnh liên quan đến xương khớp quen thuộc. Theo nghiên cứu Đông y, có thể sử dụng gừng kết hợp với mật ong và chanh để hạn chế những cơn đau do bệnh thoái hóa cột sống cổ gây ra.

Lưu ý: Trong gừng có tính nóng, nên những bệnh nhân bị táo bón, huyết áp cao hay nóng trong người không nên sử dụng gừng để chữa bệnh.

  • Ngải cứu: Bạn có thể sử dụng ngải cứu để chữa bệnh thoái hóa cột sống cổ nhẹ tại nhà. Loại thảo dược thiên nhiên này được đánh giá là phương thức chữa trị được nhiều bệnh về xương khớp, đau đầu, cảm cúm, phong hàn… Bởi trong ngải cứu có chứa nhiều chất aspirin – Đây là thành phẩm có tác dụng làm giảm các cơn đau nhức, đồng thời hỗ trợ làm dịu những triệu chứng nhức mỏi, tê cứng hiệu quả. 

Bên cạnh ngải cứu, gừng thì vị thuốc tự nhiên như lá lốt hay tỏi cũng là những bài thuốc dân gian có khả năng xoa dịu các cơn đau, tiêu viêm do bệnh thoái hóa cột sống cổ gây ra. 

thoai-hoa-dot-song-co-11
Bài thuốc Đông y cũng có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ

6.4. Các biện pháp phục hồi chức năng

  • Thực hiện các bài tập vùng cổ, massage cổ vai gáy hằng ngày.
  • Nghỉ ngơi, tránh vận động cổ đột ngột.
  • Sử dụng nhiệt hay sóng siêu âm… để giảm đau và chống viêm.
  • Biện pháp ngoại khoa đối với các trường hợp thoái hoá cột sống cổ sau:
  • Bệnh nhân có biểu hiện của chèn ép rễ thần kinh, tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống cổ cấp độ 3-4.
  • Bệnh nhân điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng không có tiến triển.

6.5. Phương pháp phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp nội khoa thất bại, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật. Một số cách phẫu thuật có thể thực hiện như cắt bỏ một phần của đốt sống, loại bỏ một đĩa đệm thoát vị hoặc hợp nhất một phần cổ bằng cách ghép xương.

Mặc dù, phương pháp phẫu thuật chữa bệnh nhanh chóng và đạt kết quả cao nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng cách này. Thông thường, bác sĩ chỉ định mổ đối với những trường hợp đặc biệt sau:

  • Người bệnh không thể xoay, cử động cổ hoặc gặp phải tình trạng đau nhức quá mức. Lúc này phương pháp mổ sẽ làm giảm đi những áp lực bị chèn ép lên dây thần kinh tủy sống cũng như các rễ thần kinh khác.
  • Người bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ra tình trạng đau nhức, tê buốt ở vùng cổ; tứ chi không thể hoạt động khỏe khoắn, dẻo dai như bình thường. Việc phẫu thuật kịp thời sẽ giúp các bộ phận tay, chân hồi phục nhanh nhất.
  • Người bị bệnh thoái hóa cột sống cổ nặng, cụ thể dẫn đến những biến chứng như bị bại liệt, chức năng sinh lý cũng thay đổi thất thường. Trường hợp khác, các dây thần kinh chịu tác động mạnh do thoái hóa cột sống cổ gây ra, dẫn đến những vùng đau liên tiếp ở cánh tay, bàn tay. Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ phải giải thích cho người bệnh cụ thể bệnh án và chỉ định phẫu thuật thoái hóa cột sống cổ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến những bộ phận xung quanh.
thoai-hoa-dot-song-co-8
Áp dụng phương pháp mổ đối với tình trạng bệnh thoái hóa đốt sống cổ nặng

Khuyến cáo: Dù chữa bệnh thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp nào đi chăng nữa, bạn cũng cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý điều trị bệnh viêm thoái hóa đốt sống cổ tại nhà. Điều này sẽ dẫn đến việc điều trị không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

7. Các cách phòng ngừa bệnh thoái hoá đốt sống cổ

Thoái hoá đốt sống cổ diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả khó lường và điều trị không dứt điểm được. Do đó, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sau:

  • Phát hiện và điều trị sớm các tổn thương cột sống để tránh dẫn đến thoái hoá.
  • Thay đổi thói quen trong sinh hoạt hằng ngày và trong công việc:
  • Thường xuyên xoa bóp vùng vai cổ gáy, thực hiện các bài tập giãn khớp cổ.
  • Làm việc, ngồi học đúng tư thế, lựa chọn bàn và ghế phù hợp.
  • Tránh đội vác đồ nặng bằng đầu hay vai.
  • Hạn chế làm việc quá sức, làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.
  • Tránh thay đổi tư thế cột sống cổ đột ngột.
  • Bổ sung dinh dưỡng đủ chất. Phụ nữ có thai và đang cho con bú, người cao tuổi nên xét nghiệm nồng độ canxi để bổ sung thiếu hụt khi cần thiết.
thoai-hoa-dot-song-co-9
Massage thường xuyên là cách phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả

8. Bài tập tốt cho người thoái hóa đốt sống cổ

Việc kết hợp điều trị phương pháp chữa bệnh thoái hóa cột sống cổ theo chỉ định của bác sĩ và một số bài tập dưới đây sẽ giúp bạn đẩy lùi được căn bệnh quái ác này chóng vánh. Hãy cùng Diễm Châu điểm qua những bài tập bổ ích dưới đây:

  • Bài tập 1: Duỗi cột sống cổ: Đầu tiên, bạn ngửa đầu ra phía sau hết mức có thể nhưng hãy cố gắng giữ vững đôi chân. Sau đó, bạn trở về đứng thẳng người. Lưu ý lặp lại động tác từ 5 – 7 lần. 
  • Bài tập 2: Xoay cột sống cổ: Bạn liên tục xoay đầu qua bên trái và bên phải, mắt nhìn xuống vai. Sau đó trở lại vị trí đầu thẳng như ban đầu.
  • Bài tập 3: Gập cột sống cổ: Bạn cúi đầu về phía trước, cằm sát ngực, sau đó trở lại vị trí cũ.
  • Bài tập 4: Nghiêng cột sống cổ: Với bài tập này bạn chỉ cần nghiêng đầu sang vai bên trái và bên phải, sau đó trở lại vị trí ban đầu.
  • Bài tập 5: Kéo dãn cột sống cổ tư thế nghiêng: So với các bài trên 1,2,3,4 thì bài tập 5 khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu lấy 1 tay vịn vào ghế, tay kia vòng qua đầu kéo nghiêng đầu về một bên đối diện và ngược lại.
thoai-hoa-cot-song-co
Một số bài tập giúp trị liệu thoái hoá cột sống cổ

Các bài tập trên đây sẽ giúp bạn giảm những triệu chứng như đau nhức, tê mỏi ở vùng vai cổ. Đặc biệt, có khả năng tăng tầm vận động cột sống cổ và sức mạnh các khối cơ vùng cổ, đồng thời hạn chế tình trạng bệnh tái phát. Hầu hết, các bài tập này đều rất đơn giản và dễ thực hiện.

Mỗi ngày, bạn chỉ cần tập trong khoảng thời gian 5 – 10 phút vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác có thể thực hiện dao động từ 5 – 10 lần. Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy bệnh thoái hóa cột sống cổ thuyên giảm và có chiều hướng phục hồi nhanh.

Trên đây là bài viết của Diễm Châu về thoái hoá đốt sống cổ, bệnh lý này tiến triển không rầm rộ nhưng có thể để lại hậu quả nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ thoái hoá cột sống cổ là gì, những triệu chứng điển hình, tại sao bị thoái hóa đốt sống cổ và điều trị hiệu quả. Mong bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích!

, ,

trac-nghiem-suc-khoe

Về diemchau

Dược sĩ Trissie Diễm Nguyễn tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại trường đại học Temple University, USA. Sau khi ra trường, Dược sĩ Diễm đã làm việc cho nhiều công ty Pharmaceuticals và Pharmacy của Mỹ trong nhiều năm .
Xem tất cả các bài viết của diemchau →