Có nên áp dụng Điện châm cứu chữa đau vai gáy?

Điện châm là một trong những phương pháp châm cứu chữa đau vai gáy hiệu quả, kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên tuỳ nguyên nhân và tình trạng bệnh mà áp dụng điện châm cho phù hợp.

1. Điện châm cứu chữa đau vai gáy là gì?

1.1) Tổng quát về Đau vai gáy

Đau vai gáy là tình trạng các cơ vùng vai gáy bị co cứng, gây đau và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của vùng cổ vai gáy khi quay đầu, nghiêng cổ.

Đây là căn bệnh liên quan đến cột sống khá phổ biến với những biểu hiện như:

Xuất hiện những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng vai gáy, đặc biệt đau hơn khi đi đứng, vận và giảm dần khi nghỉ ngơi. Cơn đau có thể diễn ra kéo dài trong thời gian dài (mạn tính) hoặc đột ngột (cấp tính).

Đau vai gáy mạn tính: Bệnh thường xuyên xuất hiện, các vùng vai gáy gần như lúc nào cũng mỏi. Nguyên nhân chính là do thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, làm hẹp lỗ tiếp hợp, chèn ép các rễ, dây thần kinh cột sống cổ. Từ đó, dẫn đến đau mỏi các vùng vai gáy, cổ, lan xuống bả vai, cánh tay…

Tuổi tác cũng là yếu tố gây nên các cơn đau vai gáy mạn tính. Từ trung niên, do quá trình lão hóa, hệ mạch máu bị giảm đàn hồi, lưu thông máu và oxy trong cơ thể bị suy giảm, thiếu máu ở các cơ, gây ra các cơn đau cơ, đau mỏi phần vai gáy kéo dài.

Thời tiết trở lạnh có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ giảm, cơ thể yếu có thể bị nhiễm lạnh đột ngột, khí huyết ứ trệ, lượng oxy cung cấp cho máu bị giảm sút. Từ đó gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến đau nhức.

cham-cuu-chua-dau-vai-gay
Đau vai váy gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày

Đau vai gáy cấp tính: các cơn đau thường do nguyên nhân cơ. Đây là một trong những lý do phổ biến nhất. Nhóm nguyên nhân cơ học bao gồm: ngồi một chỗ quá lâu, thói quen gối đầu cao khi ngủ, nằm nghiêng, ngồi làm việc trước quạt, điều hòa lâu ngày…

Nặng hơn là cơn đau vai gáy cổ có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như gây cứng cơ, tê cánh tay, tê bàn tay, thậm chí teo cơ, yếu cơ. Những ảnh hưởng của đau vai gáy đến cuộc sống khá đáng kể nếu không được điều trị kịp thời.

Đọc thêm về Đau vai gáy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nguyên nhân gây đau vai gáy có thể bắt nguồn từ hoạt động hàng ngày như tư thế ngồi, tư thế ngủ, do tính chất công việc dùng sức phần vai gáy nhiều. Bệnh cũng có thể do các bệnh lý xương khớp gây ra như thoái hoá đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…

Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi, người có công việc ngồi lâu như nhân viên văn phòng, lái xe, thợ làm nail, người lao động nặng và những người bị bệnh xương khớp.

Để điều trị bệnh đau vai gáy hiệu quả, bạn cần tìm đến các phòng khám chuyên môn để  được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị đau vai gáy phù hợp.

1.2) Điện châm cứu chữa đau vai gáy là gì?

Có nhiều phương pháp hỗ trợ giảm đau vai gáy, trong đó điện châm cứu chữa đau vai gáy được xem khá hiệu quả cho người bệnh.

Điện châm là phương pháp chữa trị kết hợp giữa y học hiện đại (dòng điện) và y học cổ truyền (châm cứu), sử dụng một dòng điện nhất định để tác động lên các huyệt châm cứu để điều trị. Thông qua các kim châm hoặc điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt mà dòng điện tác động vùng huyệt tương ứng.

Châm cứu là phương pháp tác động lên các huyệt đạo để điều hoà hoạt động của dây thần kinh, tạo sự cân bằng năng lượng trong cơ thể, từ đó giúp giảm các cơn đau.

Dòng điện có tác dụng thay thế động tác vê kim, tác động liên tục hoặc ngắt quãng lên vùng huyệt.

Điện châm có ưu điểm là sự rung kim bằng dòng điện nhỏ ít gây đau hơn so với vê kim bằng tay, tạo cảm giác dễ chịu và dẫn khí tốt hơn. Phương pháp điện châm vừa tác động lên vùng huyệt bằng cả kim và dòng điện, kích thích và điều khiển sự vận hành của khí huyết trong kinh mạch, tăng cường dinh dưỡng cho các cấu trúc và nơi thực hiện điện châm.

Mặc dù điện cực trong phương pháp điện châm có diện tích tiếp xúc với cơ thể cực nhỏ (chỉ 0.1 – 0,5 cm2) nhưng mật độ điện tích trên một đơn vị diện tích da lại cao, do đó dù công suất điện đưa vào kinh huyệt cực kỳ nhỏ nhưng có thể đem lại kích thích lớn.

Điện châm cứu chữa đau vai gáy là phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và ít rủi ro, phù hợp với các cơn đau vai gáy mạn tính.

1.3) Cơ chế hoạt động của phương pháp điện châm cứu chữa đau vai gáy

Khi gặp tình trạng đau vai gáy, cơ thể bắt đầu phản ứng bằng cách gia tăng ngưỡng chịu đau thông qua các chất trung gian hóa học.

Cơ chế của phương thức điện châm cứu chữa đau vai gáy là kích thích vào các huyệt trên đường đi của kinh lạc. Từ đó các chất trung gian hoá học được tiết ra nhiều hơn, giúp tăng ngưỡng chịu đau và giảm đau nhức.

dien-cham-cuu-chua-dau-vai-gay
Phương thức điện châm cứu chữa đau vai gáy là kích thích vào các huyệt trên đường đi của kinh lạc

Đồng thời, điện châm cứu chữa đau vai gáy còn kích thích lên vùng dưới đồi và thể lưới thân não, kích thích sản xuất Endorphin và Enkephalin, giúp giảm đau nhanh chóng.

2. Quy trình điện châm cứu chữa đau vai gáy

2.1. Khi nào áp dụng điện châm cứu chữa đau vai gáy

Phương pháp điện châm cứu chữa đau vai gáy được áp dụng trong trường hợp thoái hoá vai gáy do thoái hoá đốt sống cổ.

Không áp dụng phương pháp này khi mắc các bệnh cảnh có ép tuỷ cổ như viêm tuỷ, thoát vị đĩa đệm thể trung tâm, rỗng tuỷ, u tuỷ…

2.2. Các bước điện châm cứu chữa đau vai gáy

Chuẩn bị dụng cụ:

  • Máy điện châm hai tần số bổ, tả.
  • Kim châm cứu vô khuẩn, loại: 6-8-10 cm, dùng riêng cho từng người bệnh
  • Khay men, kìm có mấu, bông, cồn 700

Bác sĩ (hoặc y sĩ, lương y đã được đào tạo về châm cứu) sẽ xác định và sát trùng da vùng huyệt. Châm kim qua da nhanh, đầy kim từ từ theo hướng đã định, châm phải đạt đắc khí. Mỗi lần chọn 6 – 8 huyệt sau đây, chú ý châm tả:

  • Phong trì; Phong phủ; Thiên trụ
  • Giáp tích C4-C7; Đại chuỳ; Kiên trung du
  • Kiên tỉnh; Kiên ngung; Kiên trinh
  • Thiên tông; Khúc trì; Tiểu hải
  • Ngoại quan; Hợp cốc; Lạc chẩm
  • Hậu khê; A thị huyệt

Khi kim được châm qua da, kích thích kim bằng máy điện châm với tần số Tả: 6-20 Hz, Bổ: 0.5-4 Hz; cường độ 14-150 microAmpe, tăng dần tới ngưỡng bệnh nhân chịu được.

Thời gian tiến hành mỗi lần điện châm là 20 – 30 phút. Điện châm cứu chữa đau vai gáy thực hiện với tần suất 1 lần/ 1 ngày. Tuỳ vào tình trạng bênh, mức độ đáp ứng của bệnh nhân mà có liệu trình điều trị phù hợp.

2.3. Một số rủi ro có thể gặp trong quá trình điện châm cứu chữa đau vai gáy

Khi có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt… người bệnh cần báo ngay với bác sĩ thực hiện. Lúc này bác sĩ sẽ tắt máy, rút kim châm cứu và ủ ấm cho bệnh nhân, để bệnh nhân nghỉ ngơi và cho uống nước chè đường nóng. Người bệnh có thể được day bấm các huyệt như huyệt thái dương, huyệt nội quan.

Một tai biến khác hay gặp đó là chảy máu khi rút kim. Nhân viên y tế sẽ xử lý bằng cách ấn bông khô vô khuẩn tại chỗ chảy máu, không day. Thông thường máu sẽ được cầm sau một thời gian ngắn.

Trên đây là những điều cần lưu ý khi áp dụng phương pháp điện châm châm cứu chữa đau vai gáy. Hy vọng Diễm Châu đã chia sẻ cho bạn đọc những thông tin hữu ích.

trac-nghiem-suc-khoe

Về diemchau

Dược sĩ Trissie Diễm Nguyễn tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại trường đại học Temple University, USA. Sau khi ra trường, Dược sĩ Diễm đã làm việc cho nhiều công ty Pharmaceuticals và Pharmacy của Mỹ trong nhiều năm .
Xem tất cả các bài viết của diemchau →