Nguyên nhân “hội chứng ống cổ tay” và cách điều trị hiệu quả

Hội chứng ống cổ tay (CTS) là áp lực lên dây thần kinh ở cổ tay. Gây ngứa ran, tê và đau ở bàn tay và các ngón tay. Thường có thể tự điều trị nhưng có thể mất vài tháng để bệnh thuyên giảm.

Hội chứng ống cổ tay hiện nay xảy ngày càng phổ biến. Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng bệnh được biết trước nhưng do sự chủ quan nên đến khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng thì mới phát hiện ra. Nhiều yếu tố gây ra bệnh khác nhau, đồng thời một số công việc đặc thù cũng ẩn chứa những nguy cơ gây khả năng mắc phải bệnh cao hơn những người khác.

Trong đó, cao nhất là người làm nghề Nail. Khi mắc phải hội chứng, tùy mức độ bệnh, bác sĩ sẽ có những lời khuyên chữa trị khác. Có thể là chữa trị nội khoa, nghiêm trọng hơn là chữa trị ngoại khoa có sự can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, có nhiều bài tập có thể cải thiện tình trạng cũng như phòng ngừa khả năng gặp phải bệnh.

hội chứng ống cổ tay là gì
Hội chứng ống cổ tay có tên gọi khác là hội chứng đường hầm cổ tay

1. Hội chứng ống cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay là trạng thái mà dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép quá mức. Gây suy giảm chức năng vận động của bàn tay và ngón tay và có tên gọi khác là hội chứng đường hầm cổ tay.  

Ống cổ tay chứa không gian và là một khoang rỗng, bao quanh các xương và dây chằng. Có chức năng là bảo vệ và tránh những tác động trực tiếp đến dây thần kinh giữa. Dây thần kinh giữa nằm trong ống cổ tay, chạy dọc và xuyên suốt trong ống. Đồng thời là dây thần kinh chính nằm ở bàn tay, giúp cảm tạo cảm giác cho các ngón tay. Nếu khu vực trong ống cổ tay trở nên chật hẹp sẽ có ảnh hưởng lớn đến dây thần kinh giữa khi đi qua ống cổ tay. 

Người gặp phải tình trạng bệnh sẽ bị hạn chế chức năng các dây thần kinh giữa dẫn đến yếu tay, nghiêm trọng là teo cơ.  Vậy triệu chứng đi kèm hội chứng ống cổ tay là gì? 

2. Dấu hiệu hội chứng ống cổ tay

triệu chứng hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng đi kèm Hội chứng ống cổ tay

Các dấu hiệu của bệnh hội chứng ống cổ tay thường gặp:

  • Cảm giác tê, ngứa và kèm đau ở khu vực ngón tay cái, ngón tay trỏ, ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn. Đặc biệt cấp độ ngứa và đau sẽ gia tăng vào ban đêm, khi nằm ngủ.
  • Cảm giác như có kim châm
  • Dấu hiệu sưng ngón tay rõ ràng
  • Cơn đau lan dần lên vùng cẳng tay và vùng vai
  • Tay bị đơ, cầm nắm các vật  yếu hơn bình thường. Cảm giác tay yếu và mất kiểm soát.

Thông thường các cơn đau hội chứng ống cổ tay sẽ bắt đầu từ những biểu hiện nhẹ như đau bất chợt sau đó dừng lại. Lúc đầu của bệnh sẽ khó phát hiện, người bệnh cũng chủ quan  vì có thể nhầm lẫn với những bệnh khác hoặc có thể chỉ là những cơn đau bình thường nhanh khỏi, không nguy hiểm. Theo thời gian, cơn đau sẽ tăng dần và biểu hiện càng ngày càng rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên nặng và càng để lâu không chữa trị sẽ khiến người mắc phải đối mặt với nhiều nguy cơ không mong muốn. Do vậy việc tìm hiểu nguyên nhân bệnh là một điều cần thiết và nên làm. 

Vậy nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay đến từ đâu và cách chữa trị như thế nào?

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay

Mặc dù có nhiều triệu chứng để có thể nhận bệnh nhưng trong một số trường hợp lại gây khó khăn cho người bệnh khi dự đoán tình trạng. Đồng thời việc để bệnh trở nên nghiêm trọng mới điều trị cũng gây ra những hậu quả xấu. Chính vì thế, tìm hiểu nguyên nhân và từ đó hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến bệnh là điều cần thiết phải làm.

Hội chứng ống cổ tay là bệnh được gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đồng thời, người dễ gặp phải bệnh là phụ nữ và người cao tuổi. Trong đó, các nguyên nhân chính gây ra bệnh là:

3.1. Di truyền

Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chính, chiếm tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cao.Người bẩm sinh có ống cổ tay nhỏ cũng dễ mắc bệnh. Điều này được lý giải là do mỗi chủng tộc có đặc điểm khác biệt về giải phẫu và khác nhau về kích thước ống cổ tay.

Ví dụ: người Châu Âu cao lớn hơn người Châu Á, chính vì thế tay của người Châu Âu sẽ to hơn, điều này cho thấy không gian ống cổ tay sẽ rộng hơn, cũng như dây thần kinh giữa ít bị chèn ép hơn so với người Châu Á. 

3.2. Giới tính

Theo các nghiên cứu, giới tính có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay. Phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc phải hội chứng này cao gấp khoảng 3 lần so với đàn ông. Bởi vì phụ nữ có tay nhỏ hơn, vì thế đường ống cổ tay cũng nhỏ dẫn đến khả năng gặp phải hội chứng cao.

3.3. Lặp đi lặp lại một chuyển động

Nếu bàn tay hay cổ tay thường xuyên phải lặp đi lặp lại cùng một chuyển động và kéo dài liên tục sẽ gây ra tổn thương cho các gân. Đồng thời, gây ra tình trạng sưng viêm, tăng áp lực lên dây thần kinh bàn tay và cổ tay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng ống cổ tay

3.4. Vị trí tay và cổ tay

Các động tác, tư thế uốn cong và gấp duỗi bàn tay, cổ tay trong các hoạt động thường ngày cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Bên cạnh đó, khi người bệnh chưa phát hiện bệnh, nếu gặp duỗi tay quá mức sẽ làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn. 

3.5. Thai kỳ

Hội chứng ống cổ tay khi mang thai ở người phụ nữ cũng trở nên phổ biến. Lí do là người phụ nữ trong quá trình mang thai có sự thay đổi nội tiết tố, ảnh hưởng đến vùng ống cổ tay gây ra sưng viêm trong ống cổ tay. 

hội chứng ống cổ tay khi mang thai
Hội chứng ống cổ tay ở phụ nữ khi mang thai

Đọc thêm về: Hội chứng ống cổ tay ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh

3.6. Các bệnh lý đi kèm

Những người đang mắc phải một số bệnh liên quan viêm nhiễm ở cổ tay như: viêm khớp dạng thấp, suy thận, béo phì, bệnh tiểu đường, và rối loạn chức năng tuyến giáp cũng có nguy cơ mắc phải mắc hội chứng. 

3.7. Sau tổn thương cổ tay

Trong quá trình vận động mạnh, để lại những chấn thương cổ tay như: trật khớp, gãy xương… cũng dẫn đến khả năng mắc hội chứng. Những chấn thương tưởng chưởng không liên quan này đã làm thu hẹp không gian trong ống cổ tay hoặc không gian bị thay đổi kèm theo những tác động lên dây thần kinh giữa dẫn đến nguy cơ mắc bệnh 

4. Những công việc thường gặp Hội chứng ống cổ tay

Mặc dù có nhiều yếu tố là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao, nhưng những công việc do điều kiện lao động đặc biệt cũng dễ mắc bệnh không kém. Thường xuyên co gập, duỗi, cử động bàn tay hoặc tiếp xúc với các công cụ rung, làm việc ở dây chuyền sản xuất, tiếp xúc với hóa chất … làm tăng áp lực lên ống cổ tay.

Những ngành nghề làm việc đó là:

  • Công nhân dây chuyền lắp ráp
  • Tài xế lái xe
  • Thợ thủ công
  • Thợ làm bánh
  • Thợ cắt tóc
  • Thu ngân
  • Thư ký, đánh máy
  • Nhạc công.
  • Thợ làm nail: làm nail là ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh cao nhất trong các nghề trên. Bởi vì một phần thợ làm nail sử dụng tay cho công việc gần như toàn thời gian, hoạt động hàng giờ liền không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bàn tay dễ gây ra sự chèn ép lớn lên dây thần kinh ở tay, một phần họ phải tiếp xúc với các chất hóa học độc hại là tác nhân gây hại cho bàn tay và ống cổ tay. 

Thường xuyên phải hoạt động tay và ống cổ tay và việc hoạt động liên tục hàng giờ liền, làm cho các dây thần kinh ở khu vực đó chịu áp lực đè nén liên tiếp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người làm việc ngoài những ngành trên.

Mặc dù vậy, nếu biết mình đang làm công việc nằm trong danh sách đó thì bạn có thể cẩn thận và chú ý hơn. Trang bị cho mình những biện pháp phòng tránh, cách xử lý khi mắc phải bệnh và cả những bài tập giúp trị hội chứng đau ống cổ tay. Điều này có thể giúp bạn hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh cho mình. 

5. Các cách chẩn đoán Hội chứng ống cổ tay

Để chẩn đoán chính xác tình trạng của hội chứng ống cổ tay, bác sĩ kết hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng

5.1. Chẩn đoán lâm sàng

Dựa vào triệu chứng các cơ năng: bác sĩ sẽ chuẩn đoán bệnh dựa vào các thông tin về tình trạng tê, hoặc mức độ đau của bệnh nhân.

Các triệu chứng thực thể: phương pháp nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan dương tính sẽ là hai phương pháp để xác định khu vực vị trí đau.

chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Các cách chẩn đoán Hội chứng ống cổ tay

5.2. Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Siêu âm cổ tay: Siêu âm khu vực cổ tay có thể dựa vào kích thước diện tích mặt cắt ngang giúp xác định tình trạng viêm dây thần kinh giữa.
  • Đo dẫn truyền điện thần kinh: phương pháp này sẽ giúp xác định bệnh và mức độ tổn thương dây thần kinh giữa.
  • X – Quang cổ tay: phương pháp này giúp xác định nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay.

6. Các cách thức điều trị Hội chứng ống cổ tay

Sau khi có chẩn đoán từ Bác sĩ, tùy theo giai đoạn của bệnh để điều trị. Có hai phương pháp đó là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được áp dụng khi bệnh nhân đang ở giai đoạn nhẹ của bệnh, có thể bằng tập luyện, dùng nẹp, thuốc hoặc vật lý trị liệu hội chứng ống cổ tay để đẩy lùi bệnh. Cụ thể là:

  • Hạn chế tối đa công việc hay vận động cổ tay và bàn tay đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Việc làm này có ý nghĩa lớn giúp ngăn tình trạng bệnh ngày một nghiêm trọng. 
  • Dùng nẹp: dùng nẹp gỗ để cố định phần cổ tay, đảm bảo cho cổ tay duỗi thẳng và tránh cử động nhiều ở khu vực này, giúp cải thiện cơn đau hiệu quả.
  • Chườm đá: chườm đá giúp làm giảm cơn đau, giảm sưng viêm tốt. 
  • Tập vật lý trị liệu hội chứng ống cổ tay: phương pháp điều trị nội khoa này hiệu quả khi khu vực dây thần kinh bị chèn ép chưa xơ hóa hoặc chưa có nhiều dịch nhầy. Giúp làm giảm triệu chứng và nhanh hồi phục trở lại với các hoạt động bình thường. Vật lý trị liệu bao gồm:

– Điện trị liệu

– Kéo giãn gân cơ dây chằng ngang cổ tay.

– Cử động rung lắc cổ tay tốc độ nhanh, biên độ nhỏ.

– Kéo căng cổ tay và cẳng tay 

– Duỗi thẳng cổ tay và cẳng tay 

– Thực hiện căng gân trượt. 

  • Sử dụng thuốc: hai loại thuốc có thể sử dụng đó là thuốc kháng viêm và thuốc hỗ trợ. Đối với loại thuốc kháng viêm, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng thuốc không steroid và sử dụng trong thời gian ngắn. Loại thuốc kháng viêm nếu chứa thành phần steroid thì khi sử dụng lâu dài sẽ gây ra hội chứng cushing (rối loạn nội tiết tố và chuyển hóa). Đồng thời thuốc kháng viêm sử dụng trong thời gian dài dễ dẫn đến loét dạ dày.  

Đối với loại thuốc hỗ trợ, có thể sử dụng lâu dài so với thuốc kháng viêm. Thời gian dùng thuốc từ 3- 6 tuần. Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm thì bệnh nhân cần đi khám lại và tiến hành điều trị ngoại khoa. 

7. Điều trị ngoại khoa

Sử dụng phương pháp điện cơ để đánh giá tình trạng hội chứng ống cổ tay. Có 4 mức độ là: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng.

Ở mức độ nhẹ thì sẽ đáp ứng tốt bằng điều trị thuốc và vật lý trị liệu. Mức độ trung bình người bệnh sẽ đáp ứng với điều trị nội khoa khoảng 50% và tương ứng 50% là không đáp ứng điều trị nội khoa. Thông thường trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị nội khoa giúp chữa lành mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Khi các cách điều trị hội chứng ống cổ tay bằng phương pháp nội khoa không có sự tiến triển tích cực, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nhiều, người bệnh cần phải điều trị bằng phương pháp ngoại khoa. Đây là khi bệnh nhân ở mức độ nặng và rất nặng, đáp ứng với điều trị ngoại khoa. Đồng thời khi xảy ra các hiện tượng teo cơ mô cái, cơ đối ngón cái thì phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, không thể để lâu hơn.

Phương pháp ngoại khoa là sử dụng phẫu thuật ống cổ tay hay còn gọi là mổ ống cổ tay. Đây là phương pháp duy nhất được sử dụng để điều trị triệt để bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay. Mục đích của việc làm này là làm tăng không gian cho các gân đi trong đường hầm và dây thần kinh giữa.

Điều trị bằng phẫu thuật không phải là vấn đề khó khăn. Mổ nội soi và mổ mở là hai phương pháp sử dụng trong mổ ống cổ tay.

  • Mổ hở ống cổ tay khoảng 2 – 3 cm, chi phí mổ thấp hơn so với phương pháp thứ 2.
  • Mổ nội soi chi phí cao hơn.
phẫu thuật hội chứng ống cổ tay
Mổ nội soi và mổ mở là hai phương pháp sử dụng trong mổ ống cổ tay

Tùy thuộc vào lựa chọn của bệnh nhân để bác sĩ sẽ tiến hành theo cách mổ nào. Tuy nhiên cả hai phương pháp đều có những đặc điểm chung. Về thời gian mổ diễn ra ngắn tầm khoảng 10 – 15 phút. Đồng thời, việc nằm việc để bác sĩ theo dõi và để hồi phục sẽ phụ thuộc vào cơ sở y tế tiếp nhận mổ. Một số cơ sở y tế bắt buộc bệnh nhân ở lại cũng có những nơi khác cho bệnh nhân ra về ngay hôm đó. 

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ chờ đợi trong khoảng 10 ngày để tháo bỏ chỉ. Trong thời gian đó, người bệnh đặc biệt chú ý chăm sóc vết thương mổ, và tránh đụng nước cũng như vận động. Khả năng hồi phục nhanh chậm cũng do sức khỏe và thể trạng mỗi bệnh nhân quyết định. Trung bình, sẽ cần 2 tuần để có thể tháo chỉ và hoạt động bình thường trở lại. Và mất khoảng 6 tuần để hồi phục hoàn toàn vết mổ. 

Sau khi phẫu thuật ống cổ tay có tái phát không? 

Liệu sau khi phẫu thuật ống cổ tay thì bệnh có tái phát trở lại hay không và nếu tái phát thì xử lý như thế nào là điều mà nhiều bệnh nhân đặc biệt quan tâm và hỏi bác sĩ thật kỹ trước khi tiến hành phẫu thuật.

Đối với mổ ống cổ tay, tỷ lệ tái phát của phương pháp mổ hở rất thấp. Tỷ lệ rơi vào khoảng 0.9 – 1.2%, tức là cứ 100 người phẫu thuật hở thì có một người tái phát trở lại. Đối với mổ nội soi, tỷ lệ tái phát của phương pháp sẽ cao hơn một chút.

Trường hợp gặp phải tình trạng tái phát hội chứng ống cổ tay sau khi mổ thì sẽ xử lí bằng cách phẫu thuật lại. Tuy nhiên, sẽ gặp phải những khó khăn cho việc phẫu thuật. Bởi vì lúc này, dây thần kinh giữa của ống cổ tay đã bị dính vào ống cổ tay.  Mổ lần thứ hai thông thường sẽ được tiến hành theo kỹ thuật vi phẫu, bác sĩ sẽ bóc tách những phần dính với dây thần kinh. Thời gian cũng sẽ kéo mổ kéo dài từ 45- 60 phút.

Đọc thêm về: Những trường hợp nên mổ điều trị hội chứng ống cổ tay

8. Cách phòng ngừa Hội chứng ống cổ tay cho người làm Nail

Để ngăn chặn và phòng tránh hội chứng ống cổ tay va phải mình. Mọi người nên tìm hiểu các cách có thể áp dụng cho bản thân. Những phương pháp đó là:

phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Người làm nail luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh trong đó bao gồm cả hội chứng ống cổ tay

Để giúp làm giảm nguy cơ phải chịu đựng những cơn đau từ bệnh gây ra, ảnh hưởng đến công việc, người làm nail nên thực hiện những cách phòng ngừa sau:

  • Luôn giữ cổ tay thẳng: giữ cổ tay thẳng giúp giảm áp lực lên dây thần kinh ở cổ tay
  • Tránh gập và duỗi cổ tay nhiều lần
  • Giữ ấm bàn tay và cổ tay
  • Giảm lực và thả lỏng tay
  • Thường xuyên có những khoản thời gian nghỉ ngơi ngắn để cho cổ tay được thư giãn. Đồng thời tập một số động tác xoay tay, xoay ngón tay, bàn tay
  • Để ý tư thế lúc làm việc: ví dụ như khi làm công việc liên quan đến bàn phím giữ vị trí bàn phím cao bằng khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút
  • Tư thế ngồi làm việc khoa học: hạn chế đưa vai và cổ về phía trước
  • Sử dụng chuột máy tính giúp cổ tay bạn thoải mái, nếu bạn cảm thấy không thoải mái và mỏi cổ tay khi sử dụng chuột thì nên thay chuột ngay
  • Không gối đầu lên tay khi ngủ
  • Giữ bàn tay ấm

Ngoài ra, những người làm trong ngành nail có một số phương pháp riêng để có thể ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh. 

Nghề làm nail có đặc điểm là liên tục lặp đi lặp lại những hoạt động bàn tay. Do đó,  người làm nail luôn phải đối mặt với khả năng mắc các bệnh viêm, xương khớp cao nhất nhì trong các ngành và bao gồm cả hội chứng ống cổ tay. Mắc phải bệnh sẽ khiến cho người bệnh chịu đựng đau đớn và phải dành thời gian chữa trị ảnh hưởng đến công việc. Chính vì thế người làm nghề nail cần chú ý phòng tránh bệnh tối đa, những phương pháp nên dùng đó là:

  • Chọn và sử dụng những thiết bị hoặc dụng cụ được thiết kế dành riêng cho thợ làm nail và các loại hóa chất làm nail chính hãng.
  • Duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học.
  • Thường xuyên nghỉ giải lao và tập nhẹ các bài tập: ví dụ: duỗi và uốn cong tay và cổ tay thường xuyên 10 đến 30 giây mỗi 15 – 30 phút làm việc.
  • Cải thiện tư thế: Điều chỉnh tư thế ngồi, không để hai vai hướng về phía trước quá mức sẽ giúp hạn chế khả năng rút ​​ngắn cơ cổ, tránh sự đè nén trên các rễ dây thần kinh cổ tay và vùng vai. 
  • Giữ cho bàn tay được ấm.

9. Một số bài tập điều trị Hội chứng ống cổ tay

Ngoài các phương pháp chữa trị trên thì cũng có các bài tập dành riêng cho người mắc hội chứng ống cổ tay. Mục tiêu của những bài tập này là tăng tuần hoàn máu, giảm sưng, viêm. Đồng thời, hỗ trợ cho quá điều trị nội khoa và điều trị sau phẫu thuật đạt kết quả tốt. Ngoài ra, thợ làm nail nên tập các bài tập này thường xuyên và đều đặn. 

Xem thêm nhiều Bài tập điều trị hội chứng ống cổ tay: https://diemchau.net/tong-hop-bai-tap-dieu-tri-hoi-chung-ong-co-tay-hieu-qua/

Các bài tập có thể áp dụng: 

9.1. Các bài tập trượt gân

Điều trị bằng phương pháp nội khoa là bệnh nhân cần tránh các cử động lặp đi lặp lại nhiều của cổ tay. Sử dụng nẹp cổ tay cố định, chườm đá hoặc tập vật lý trị liệu hội chứng ống cổ tay.

Vật lý trị liệu cho kết quả tốt ở giai đoạn chỗ chèn ép dây thần kinh chưa bị xơ hóa hoặc nhiều dịch nhầy. Bên cạnh đó, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm khi bệnh còn nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp giảm đau tại chỗ, giảm hiện tượng gân gấp trong ống cổ tay.

bai-tap-truot-gan
Các bài tập trượt gân

9.2. Bài tập chà xát lòng bàn tay vào nhau

  • Ở tư thế bắt đầu, dùng hai bàn tay chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.  Lòng bàn tay bên này xát mu bàn tay bên kia tạo sức nóng lên lòng bàn tay. 
  • Sau đó dùng các ngón tay này nắn từng ngón tay bàn tay kia và ngược lại. 
  • Tiến hành với bên còn lại.

9.3. Bài tập bóp vai

  • Ở tư thế bắt đầu, dùng lực bàn tay bóp mạnh vào tay kia. Từ vùng vai trở xuống đến bàn tay trong vòng 1 phút. 
  • Sau đó từ từ dùng tay trái nắm cẳng của tay phải. Tiến hành vận động gấp, duỗi và xoay khớp cổ tay theo vòng tròn cùng chiều với kim đồng hồ.
  • Thực hiện trong 30s. Tương tự tập với bên còn lại.
  • Bàn tay trái nắm từng ngón tay của bàn tay phải rồi kéo mạnh.

9.4. Động tác căng duỗi sâu nhất

  • Đầu tiên, đưa tay thẳng ra phía trước mặt, duỗi khuỷu tay thẳng ra, mở rộng cánh tay, các ngón tay gập hướng lên trên.
  • Bàn tay còn lại dang các ngón tay, gấp nhẹ nhàng cổ tay xuống dưới, căng duỗi cổ tay, ngón tay tối đa. 
  • Tập trong 20s.
  • Tiến hành tương tự với tay còn lại.

Động tác này nên tập ba lần mỗi bên và sau mỗi giờ làm. Tập luyện mỗi ngày tập giúp cổ tay bạn sẽ trở nên linh hoạt

9.5. Rung lắc, “giũ tung” hai bàn tay

  • Bài tập này tập trung vào vận động bàn tay. 
  • Lúc bắt đầu, vẫy bàn tay mạnh như “giũ tung” các ngón tay cho khô tay khi ướt.
  • Bài tập này cực kì tốt, giúp các gân bị gấp ngón tay hoặc dây thần kinh giữa thoát khỏi bị bóp chặt, tù túng.

9.6. Bài tập kéo giãn cổ tay cơ bản

bai-tap-hoi-chung-ong-co-tay
Bài tập kéo giãn cổ tay cơ bản

Bài tập kéo giãn cơ ở tay giúp tăng tính linh hoạt của cơ bắp và giảm áp lực lên dây chằng, gân và hệ thống thần kinh ở vùng cổ tay. Thực hiện bài tập kéo giãn cổ tay như sau:

  • Đưa tay thẳng ra phía trước, hai cánh tay song song với mặt đất đồng thời lòng bàn tay hướng lên trên trời
  • Kéo cổ tay về phía sau, hai bàn tay vuông góc với cánh tay, các ngón tay hướng lên trời.
  •  Giữ yên trong 5 giây. Quay trở lại vị trí ban đầu.
  • Căng các ngón tay, nạm hai bàn tay lại và gập xuống phía dưới phía sàn nhà. 
  • Giữ yên trong 5 giây. Lặp lại trong 10 lần và tập thường xuyên. 

9.7. Bài tập tăng cường sức mạnh cổ tay

Bài tập này khá hiệu quả, làm tăng cường sức mạnh ở cổ tay cũng như tăng khả năng cầm nắm đồ vật. Đặc biệt, bài tập phù hợp cho bệnh nhân mổ ống cổ, hỗ trợ để phục hồi các chức năng, nhanh trở lại bình thường. 

  • Lúc bắt đầu, người bệnh ngồi xuống bàn, đặt cẳng tay, cổ tay và lòng bàn tay của tay trái xuống mặt bàn đảm bảo lòng bàn tay úp xuống.
  • Đặt bàn tay phải lên các khớp ngón tay bàn tay trái ở góc 90 độ. Lúc này hai tay tạo thành một dấu cộng.
  • Sau đó, nâng bàn tay trái lên bằng lực. Đồng thời, bàn tay phải ép xuống, ngăn cho tay trái không rời mặt bàn. Lúc này, sẽ có cảm giác căng thẳng và áp lực ở cổ tay. 
  • Đổi bên tương tự với tay phải nằm dưới và tay trái nằm trên. Tập mỗi lần từ 1-2 phút, thường xuyên.

9.8. Bài tập bóp bóng

Đây cũng là bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho bàn tay đặc biệt là hỗ trợ phục hồi nhanh sau phẫu thuật ống cổ tay.

  • Lúc bắt đầu, người tập cầm một quả bóng da hoặc bóng cao su mềm.
  • Dùng sức bàn tay bóp quả bóng và giữ yên trong 5 giây.
  • Lặp lại động tác này khoảng 10 lần ở mỗi tay và thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày.
bai-tap-ngua-hoi-chung-ong-co-tay
Bài tập bóp bóng cho người mắc hội chứng ống cổ tay

Hiện nay, y học phát triển giúp cho không chỉ việc phát hiện bệnh sớm mà còn điều trị can thiệp dễ dàng. Tuy nhiên, để tránh để lại những ảnh hưởng xấu cho bàn tay cũng như công việc hàng ngày thì chúng ta cần phải hiểu những điều cơ bản nhất về bệnh. Hy vọng thông qua bài viết, Diễm Châu đã giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về hội chứng ống cổ tay đặc biệt là các bạn thợ làm nail.

Chúc các bạn có đôi tay khỏe mạnh và đạt hiệu quả cao trong công việc.

, ,

trac-nghiem-suc-khoe

Về diemchau

Dược sĩ Trissie Diễm Nguyễn tốt nghiệp Doctor of Pharmacy tại trường đại học Temple University, USA. Sau khi ra trường, Dược sĩ Diễm đã làm việc cho nhiều công ty Pharmaceuticals và Pharmacy của Mỹ trong nhiều năm .
Xem tất cả các bài viết của diemchau →